Nhiều doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải vướng sai phạm khi thoái vốn

TPO - Theo Thanh tra Chính phủ, quá trình thoái vốn Nhà nước, các doanh nghiệp như: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam, Cienco 5, Cienco 6... đều có sai phạm.

Bán hơn 49 triệu cổ phần không tổ chức đấu giá

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa công khai kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở (giai đoạn 2011 - 2021) tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Theo đó, trong việc thoái vốn nhà nước, TTCP kết luận Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) được Bộ GTVT là cơ quan đại diện chủ sở hữu tham mưu, đề xuất việc bán thoả thuận trực tiếp cho nhà đầu tư là Công ty T&T mà không thực hiện bán đấu giá hơn 49 triệu cổ phần tại Cảng Quảng Ninh.

Như vậy, việc mua bán này chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch, có hiệu quả, hạn chế tối đa tổn thất; việc Bộ tham mưu, đề xuất thoái 100% vốn nhà nước tại Cảng Quảng Ninh chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở, nguyên nhân và hiệu quả của việc thoái vốn, chưa phù hợp với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tái cơ cấu VIMC.

Tại Tổng Công ty cổ phần Tái Bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR), TTCP cho hay khi thực hiện thoái vốn, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương không phát hành Chứng thư Thẩm định giá tại 3 doanh nghiệp mà chỉ có báo cáo đánh giá khả năng chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính là chưa thực hiện đúng.

Ngoài ra, việc xác định giá trị cổ phiếu tại thời điểm 31/12/2012, trên cơ sở báo cáo tài chính năm 2012 của 3 doanh nghiệp nêu trên nhưng không xác định thời gian hiệu lực của kết quả thẩm định giá là chưa thực hiện đủ các quy định… Trách nhiệm thuộc VNR, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công Thương.

Nhiều doanh nghiệp của Bộ Giao thông vận tải vướng sai phạm khi thoái vốn ảnh 1

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Đầu tư vào dự án khách sạn chưa đạt hiệu quả sử dụng vốn

Đối với VNA, TTCP kết luận đơn vị này đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Khách sạn Hàng không. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa đạt được hiệu quả sử dụng vốn do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn đến thời gian triển khai dự án xây dựng Khách sạn Hàng không chậm, kéo dài 21 năm, không đạt mục tiêu đề ra trong việc xây dựng và hình thành khách sạn 4 sao.

Tương tự, là Cienco 5 - CTCP lựa chọn Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát chưa đáp ứng tiêu chí của nhà đầu tư tham gia đấu giá các hợp đồng kinh tế từ 500 tỷ đồng trở lên là không thực hiện đúng theo quyết định của Bộ GTVT.

Cienco 6 - CTCP thực hiện thoái vốn nhà nước theo chỉ đạo của Bộ GTVT và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ nhưng thiếu thống nhất với văn bản trước đó; việc thực hiện thoái vốn theo hình thức đấu giá bán cổ phần theo lô khi chưa thực hiện bán đấu giá công khai là chưa thực hiện đúng khoản 4 Điều 38 Nghị định số 91/2015 của Chính phủ…

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư Giao thông vận tải chưa tổ chức thuê đơn vị tư vấn thoái vốn tại 5 Công ty (gồm: Công ty Tracimexco, Công ty Cổ phần Nam Phong, Công ty Cổ phần Ô tô Giang Hoài, Công ty cổ phần ô tô JAC Việt Nam, Công ty CP Vận tải và Thương mại Đà Nẵng). Ngoài ra, việc chỉ định đơn vị tư vấn thẩm định giá, đơn vị tổ chức đấu giá theo hình thức chỉ định là chưa thực hiện đúng.

Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt khi thoái vốn sử dụng kết quả thẩm định giá đã hết hiệu lực nhưng Bộ GTVT vẫn quyết định và phê duyệt, là trái với Điều 32 Luật số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012.

Để xảy ra tồn tại nêu trên, TTCP cho rằng trách nhiệm thuộc Bộ GTVT cùng các doanh nghiệp liên quan.

TTCP đã kiến nghị Tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm và có phương án khắc phục.