Từ hai câu chuyện này cho thấy còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn di sản hiện nay tại TP.HCM.
28 năm vẫn là bãi đất trống
Lò gốm cổ Hưng Lợi ở phường 16, quận 8 là di tích khảo cổ quốc gia. Đây là di tích khảo cổ học duy nhất tại khu vực nội thành TP.HCM được khai quật vào năm 1997.
Từ năm 1998, nơi đây được khai quật khoanh vùng bảo vệ. Tuy nhiên sau 28 năm, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến.
Đại diện Phòng Văn hóa thông tin quận 8 đưa thông tin rằng trước đây khu vực này không có tường rào, một số người dân trồng rau, cây kiểng.
Năm 2023 thống nhất tu sửa di tích. Hiện trạng vẫn là khu đất trống.
Trong khi chờ dự án tu bổ và phục dựng, nơi đây đã xây tường rào, lắp đặt 8 camera, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời, điểm báo di tích.
Hiện các đơn vị quận 8 theo dõi, thông tin tuyên truyền và phổ biến luật về di sản, văn bản liên quan để người dân hiểu và tham gia bảo vệ di tích tại khu vực này.
Ngôi nhà cổ 100 tuổi của học giả Vương Hồng Sển ở quận Bình Thạnh được xếp hạng di tích cấp thành phố năm 2003. Ngôi nhà đang được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành và người dân.
Trong hội nghị, Phòng Văn hóa thông tin quận Bình Thạnh trình bày những khó khăn trong việc chậm trễ thực hiện việc cưỡng chế công trình trái phép, và cho biết chậm nhất đến tháng 3 thực hiện xong việc cưỡng chế tháo dỡ vi phạm.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, không "thông" với ý kiến này bởi ông cho rằng vụ việc này đã kéo dài.
"Trong buổi họp các bên liên quan vào tháng 11-2024 đã thống nhất phương án cưỡng chế. Không có gì vướng thì không thể kéo dài thời gian như vậy", ông Nhựt nhận định.
Đừng để mất những tài sản quý giá của dân tộc
Ngoài câu chuyện cụ thể hai di tích nhà cổ Vương Hồng Sển, lò gốm cổ Hưng Lợi quận 8, Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành di sản văn hóa TP.HCM đánh giá lại hoạt động năm 2024 và đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.
Đại diện thành phố Thủ Đức, quận 1, quận 5, Củ Chi, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trình bày bản tham luận đề cập đến vấn đề đặt tên đường, quản lý nguồn lực xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, cách nâng chất các bảo tàng thông qua bộ nhận diện thương hiệu.
Có ý kiến cho rằng những quy định chồng chéo giữa các đơn vị khiến việc trùng tu, sửa chữa di tích gặp khó khăn thì thiệt thòi nhất là di sản.
Ông Trần Thế Thuận, giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhận định công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản của thành phố đang có những chuyển biến tích cực.
Trước đây thành phố chỉ có khoảng 150 di tích, thì nay con số này đã lên đến 193.
Ông nhấn mạnh rằng nếu tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế cao mà không đi cùng bảo tồn phát huy giá trị di sản thì sẽ mất đi những tài sản vô cùng quý giá của dân tộc.
Ông nói: "Chúng ta cần chạy đua với thời gian. Tăng trưởng kinh tế có thể chậm, đời sống có khó khăn nhất định, nhưng nếu chúng ta cố gắng thì sẽ tăng trưởng trở lại. Nhưng di sản mất đi không bao giờ khôi phục được".