Mối cánh rừng Trường Sơn: Món đại ngàn ngon nức nở

Tháng 5, khi những cơn mưa dông đầu mùa rải đều lên tán rừng rậm rạp miền Tây Quảng Nam, cũng là lúc núi rừng Trường Sơn như cựa mình thức dậy sau giấc ngủ dài mùa nắng.
Mối cánh rừng Trường Sơn: Món đại ngàn ngon nức nở - Ảnh 1.

Món cháo mối của người Cơ Tu

Lá non đâm chồi, suối róc rách tràn dòng, còn những đám mây thì chập chờn bay qua sườn núi như khói bếp. Cũng chính thời điểm ấy, ở những ngôi làng người Cơ Tu dọc huyện Đông Giang, mùa săn "tôm bay" - tức mối cánh - bắt đầu.

Mối - tôm bay Trường Sơn

Gọi là "tôm bay" nghe vừa dân dã vừa trìu mến, vì con mối cánh đối với người miền xuôi thì có khi là phiền toái mỗi mùa mưa, nhưng với đồng bào Cơ Tu thì lại là món quà quý giá mà rừng trao tặng.

Mối cánh bay ra sau mỗi cơn mưa chiều, từng đàn vỗ cánh loang loáng trong ánh hoàng hôn, chập chờn như sương khói. Người già Cơ Tu bảo năm nào mối bay nhiều, năm ấy đất lành, mùa màng bội thu, trẻ nhỏ không ốm đau.

Tôi có dịp theo chân già Bớt - một người Cơ Tu sống ở xã Ba, bắt mối tại nhà vào một buổi tối tháng 5. Trời vừa tạnh mưa, đất rừng còn ngai ngái mùi ẩm mốc và lá mục.

mối - Ảnh 2.
mối - Ảnh 3.
mối - Ảnh 4.

Thau nước và đèn pin để săn bắt mối, sơ chế mối và rổ mối săn về

Già Bớt dùng một cái chậu lớn đổ nước, đặt giữa sân, rồi đặt một cây đèn pin sáng trong chậu nước.

Một lát sau, từng đàn mối bắt đầu bay đến, bị ánh sáng thu hút rồi rơi xuống mặt nước. Lúc đầu là vài con, rồi hàng chục, hàng trăm. Chúng xoay tròn, lao xao cánh vỗ, như một lễ hội nhỏ của côn trùng giữa màn đêm Trường Sơn.

Khi đã gom được khoảng hai nắm tay mối, già Bớt bảo tôi: "Mối cánh này làm món cláp padieng cho anh thưởng thức".

Cláp padieng là mối rang khô - món đơn giản nhưng nổi tiếng bùi và béo. Về đến nhà, ông nhóm bếp lửa, đặt cái chảo sắt cũ lên, rồi đổ mối vào rang trên lửa nhỏ. Tiếng mối nổ tí tách như rang đậu, mùi thơm bốc lên ngai ngái, hấp dẫn lạ thường.

mối - Ảnh 5.

Bát mối rang thơm lừng mùi châu chấu nướng

Khi cánh mối rụng hết, chỉ còn thân nhỏ vàng ruộm, ông nhấc chảo xuống, rắc chút muối rừng và mời tôi. Tôi thử một miếng - giòn, béo, ngọt dịu và đặc biệt không tanh. Một hương vị không thể tìm thấy ở nhà hàng nào.

Bao món ngon khác

Bên cạnh cláp padieng, người Cơ Tu còn chế biến nhiều món ăn khác từ mối cánh. Mối rang ướp sả - là khi mối được rang sơ rồi trộn với sả rừng giã nhuyễn, ớt xanh và muối hột, ăn kèm với xôi lam hoặc bánh tráng nướng.

Mối muối - mối giã nhuyễn, trộn với muối và ớt, đựng vào ống nứa, treo lên giàn bếp cho thơm, dùng ăn dần trong mùa mưa. Hay đặc biệt nhất là cháo mối - cláp p’chơ - nấu với nếp rẫy hoặc sắn tươi, dậy mùi thơm lừng, thích hợp cho người già, trẻ nhỏ.

mối - Ảnh 6.

Mối rang ướp sả, muối

Tôi còn được thưởng thức một món đặc biệt: bánh xèo mối. Đó là khi mối xào sơ được trộn vào bột gạo nước rồi đổ vào chảo gang, đậy nắp và rán lửa nhỏ. Bánh chín có màu vàng ruộm, giòn rụm phần rìa, nhân béo và bùi đến lạ lùng.

Ăn cùng rau rừng, chấm với muối ớt xiêm, trong tiếng mưa rơi rả rích ngoài mái hiên, mới thấy trọn vẹn cái tình núi rừng Trường Sơn.

Không chỉ là món ăn, mối cánh còn là câu chuyện văn hóa - là ký ức của bao thế hệ người Cơ Tu. Trẻ nhỏ từng nô đùa bắt mối trong sân, giờ đã lớn, đi học xa, nhưng mỗi lần về nhà vào mùa mối là lại xin bà, xin mẹ rang cho một bát đầy.

Mối cánh rừng Trường Sơn: Món đại ngàn ngon nức nở - Ảnh 7.

Món gỏi mối với cổ hũ tà vạt

Người già thì nhấp ngụm rượu cần, nhai từng miếng mối rang thơm bùi, kể chuyện thời chiến tranh, khi mối là cứu tinh trong những tháng năm thiếu đói. Cứ thế, mối cánh không chỉ là "tôm bay" của rừng, mà là biểu tượng nhỏ bé của sự gắn kết giữa con người - đất - trời.

Ngày nay, khi các làng du lịch cộng đồng Cơ Tu vào mùa mối cánh đều có các món ăn từ mối cánh và đã trở thành đặc sản hấp dẫn du khách.

Những du khách từ Đà Nẵng, Hội An, Huế hay thậm chí cả

Mối rang ăn với xôi rất thơm ngon

Chiều cuối cùng ở Đông Giang, tôi ngồi trong ngôi nhà sàn lợp lá giữa làng Cơ Tu, trời mưa nhẹ, khói bếp lan tỏa. Ngoài kia, mối lại bay. Đám trẻ con hò reo bắt mối như reo mừng một mùa lộc rừng.

Già Bớt rót rượu cần, bảo: "Mối cánh không nhiều lắm đâu, nhưng chỉ cần biết trân quý thiên nhiên thì năm nào cũng có". Tôi gật đầu, chợt thấy lòng mình lặng lại giữa hương khói bếp và tiếng cười trong vắt của núi rừng.

Mùa săn "tôm bay" - mùa của những điều nhỏ bé mà đầy ý nghĩa, vẫn lặng lẽ tiếp nối trên đỉnh Trường Sơn, giữa đời sống người Cơ Tu giản dị mà sâu sắc.

 - Ảnh 2.Mối đất - hương vị đại ngàn xứ Quảng

TTO - Mối đất là nguồn thực phẩm quý của người dân vùng cao. Với đôi bàn tay khéo léo, người dân bản địa nơi đây đã chế biến thành nhiều món ăn dân dã, hấp dẫn chiêu đãi khách quý.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề