Lệ Chi viên nhắc nhở hiểm họa khi không nghĩ tới lợi ích của dân

Trong những ngày tháng 5, Nhà hát kịch Idecaf đem đến cho công chúng phiên bản mới của vở kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi. Thảm án năm nào của gia tộc Sao khuê Nguyễn Trãi lại tiếp tục khiến hậu thế đau đáu khi con người chiến đấu bảo vệ lẽ phải.
Lệ Chi viên - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Đình Toàn (vai vua Lê Thái Tông), nghệ sĩ Thanh Thủy (bìa trái, vai thần phi Nguyễn Thị Anh) và Hồng Ánh (vai tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao) - Ảnh: LINH ĐOAN

Lệ Chi viên (Bí mật vườn Lệ Chi) là bản dựng năm 2025 từ kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi của tác giả Hoàng Hữu Đản. 

Đây được xem là vở kịch lịch sử ghi đậm dấu ấn của Nhà hát kịch Idecaf hơn 20 năm qua. Nay nhà hát làm lại với bàn tay biên kịch và đạo diễn của nghệ sĩ Quang Thảo.

Lệ Chi viên, trăm năm hậu thế không quên

Có thể nói thảm án Lệ Chi viên khiến tam tộc nhà Nguyễn Trãi bị tru di là vụ án chấn động trong lịch sử. Đến sau này dù Nguyễn Trãi đã được minh oan nhưng cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông được cho là liên quan đến vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ vẫn được các nhà sử học, hậu thế đặt ra như một dấu hỏi lớn về một âm mưu kinh khủng.

Lớp diễn đối đầu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Anh - Ảnh: LINH ĐOAN

Cái hay của kịch bản Bí mật vườn Lệ Chi là khắc họa được hình ảnh sáng ngời của Nguyễn Trãi giữa một vương triều mục ruỗng. Bọn hoạn quan lộng hành, thần phi Nguyễn Thị Anh vì bảo vệ vương quyền, ngai vàng cho con mình là thái tử Bang Cơ mà từng bước sa chân.

Giữa tăm tối đó, vợ chồng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ như hai kẻ cô đơn. Điều giữ họ vững vàng giữa ngả nghiêng vận nước là niềm tin vào lẽ phải, dù cái giá để bảo vệ cho lẽ phải thật sự quá đắt.

Lệ Chi viên tiếp nối Bí mật vườn Lệ Chi năm nào không chỉ dừng ở việc nhắc lại một thảm án mà còn nhấn mạnh mối hiểm họa của một đất nước khi vua chúa, quan lại thao túng, không nghĩ đến lợi ích của dân. Như Nguyễn Trãi đã nói thẳng với Nguyễn Thị Anh: "Một ngai vàng dựng lên bằng máu không tránh khỏi sẽ sụp đổ trong máu!".

Và tiếng nói bộc trực, ngay thẳng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ lúc nào cũng cần cho sự trường tồn của một quốc gia.

Lệ Chi viên - Ảnh 3.

Từ trái qua: nghệ sĩ Trịnh Minh Dũng (vai Đinh Thắng), Thanh Thủy (vai Nguyễn Thị Anh) và Đại Nghĩa (vai Tạ Thanh) - Ảnh: LINH ĐOAN

Lệ Chi viên theo năm tháng

Ngoài nghệ sĩ Thanh Thủy giữ nguyên vai quan trọng thần phi Nguyễn Thị Anh thì từ Bí mật vườn Lệ Chi đến Lệ Chi viên đánh dấu sự trưởng thành của nhiều nghệ sĩ của Idecaf.

Từ trái qua, các nghệ sĩ Quang Thảo (vai Nguyễn Trãi), Thanh Thủy (vai Nguyễn Thị Anh) và Hoàng Trinh (vai Nguyễn Thị Lộ) - Ảnh: LINH ĐOAN

Lệ Chi viên tiếp nối vở Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - Người mang 9 án tử đã chứng tỏ Idecaf có sự đầu tư, nghiêm túc khi dàn dựng kịch lịch sử. Tuy nhiên vì Lệ Chi viên (Bí mật vườn Lệ Chi) có tính tự sự cao, thoại nhiều và khó nên đòi hỏi diễn viên và đạo diễn phải dụng công để không khí vở diễn không bị chùng. 

Các lớp diễn chỉn chu nhưng để đẩy người xem đến cảm xúc dâng trào, nghẹt thở, rưng rưng khiến khán giả day dứt mãi thì vở vẫn còn thiếu.

Trong vở, hai vai diễn nặng nhất thuộc về Quang Thảo và Thanh Thủy. Nguyễn Trãi là vai diễn khó với Quang Thảo, đòi hỏi anh phải cố gắng thêm qua từng suất diễn. 

Có những đoạn như cảnh đối đầu giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Anh, nếu nội lực của Quang Thảo đủ mạnh sẽ là lớp diễn tác động mạnh mẽ đến người xem bởi sự đương đầu không khoan nhượng của người chính trực với thế lực đen tối của vương triều.

Lệ Chi viên - Ảnh 5.

Trang phục, hóa trang vở diễn được đầu tư tốt - Ảnh: LINH ĐOAN

Người xem cũng mong mỏi ở nghệ sĩ Thanh Thủy sự thể hiện kỹ và sâu hơn với nhân vật Nguyễn Thị Anh. Nhất là lớp diễn dài hơi khi Nguyễn Thị Anh trong một đêm dài nhiều tâm trạng trước khi hành quyết Nguyễn Trãi...

Vì sự yêu mến vở diễn của khán giả hơn 20 năm qua nên khi nghe Lệ Chi viên (Bí mật vườn Lệ Chi) ra mắt bản mới, khán giả đã nhiệt tình ủng hộ khiến ba suất đầu của vở vào các ngày 1, 4 và 11-5 đã "cháy vé".

Đây là tín hiệu vui để nhà sản xuất có động lực đầu tư tiếp những vở kịch lịch sử phục vụ rộng rãi công chúng, đặc biệt là đối tượng học sinh - sinh viên.

Lệ Chi viên: nhắc nhở hiểm họa khi không nghĩ tới lợi ích của dân - Ảnh 8.Vai diễn khó Đêm trước ngày hoàng đạo không làm khó cô đào cải lương Tú Sương

Những khán giả ái mộ nghệ sĩ Tú Sương có lẽ đã rất vui khi được thưởng thức thêm một vai hay của cô. Đó là nhân vật Thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở cải lương sử Việt Đêm trước ngày hoàng đạo.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề