Định hình tư duy phát triển sau sáp nhập
Sau sáp nhập địa giới hành chính, tỉnh Lào Cai mới đang đứng trước nhiều cơ hội để tăng tốc phát triển. Một trong những chủ trương lớn được ưu tiên thực hiện là huy động các nguồn lực xã hội, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), nhằm nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ công.
Mô hình PPP không mới, nhưng trong bối cảnh tái cơ cấu tổ chức bộ máy và đòi hỏi phát triển bền vững hơn, đây là chìa khóa để tháo gỡ nhiều điểm nghẽn về nguồn vốn và quản lý đầu tư công. Tại Yên Bái, địa phương vừa hợp nhất với Lào Cai để thành tỉnh mới, mô hình đầu tư PPP đang được cụ thể hóa bằng nhiều dự án trọng điểm; trong đó, dự án đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ - sau ngày 1/7/2025 đã đổi tên thành Bệnh viện đa khoa số 3 tỉnh Lào Cai (mới), theo phương thức PPP thực hiện lần đầu tiên được xem là một trong những điểm nhấn tiên phong.
![]() |
Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai (mới) khẳng định: Hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) là một giải pháp rất quan trọng, phù hợp với yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. PPP cho phép huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành các dự án. “Trong bối cảnh tỉnh Lào Cai mới được thành lập trên cơ sở hợp nhất, nhu cầu đầu tư hạ tầng, nhất là giao thông, đô thị, du lịch, y tế, giáo dục… là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn lực của ngân sách địa phương còn hạn chế. Việc triển khai các dự án theo hình thức PPP sẽ giúp tỉnh tận dụng được thế mạnh, tiềm lực của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, để PPP phát huy hiệu quả, tỉnh sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; lựa chọn dự án phù hợp; bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; đồng thời nâng cao năng lực quản lý, giám sát quá trình thực hiện dự án”, ông Trần Huy Tuấn chia sẻ thêm.
![]() |
Nâng cao chất lượng dịch vụ công
Theo các chuyên gia, phương thức PPP có nhiều ưu điểm như: Chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, tận dụng nguồn vốn và năng lực quản trị của khu vực tư nhân, rút ngắn thời gian triển khai dự án, và nâng cao hiệu quả vận hành. Trong lĩnh vực y tế, nơi đầu tư công thường hạn chế và cần phải ưu tiên cho các hạng mục cấp thiết thì mô hình này giúp tăng tính chủ động và linh hoạt trong huy động nguồn lực xã hội; đồng thời, PPP cũng yêu cầu sự minh bạch và giám sát chặt chẽ, qua đó nâng cao trách nhiệm giải trình của cả hai phía Nhà nước và doanh nghiệp.
![]() |
Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, nay là Bệnh viên đa khoa số 3 tỉnh Lào Cai (mới) sẽ được triển khai nâng cấp theo hình thức PPP. |
Trong quá trình xúc tiến Dự án PPP Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ - nay là Bệnh viện đa khoa số 3 tỉnh Lào Cai (mới), có một số đơn vị đã bày tỏ mong muốn tham gia góp vốn, đồng hành cùng tỉnh trong xã hội hóa lĩnh vực y tế. Đây vừa là tín hiệu tích cực từ khối tư nhân vừa cho thấy sự tin tưởng và đồng hành của doanh nghiệp địa phương đối với chủ trương lớn của tỉnh. Việc các công ty tư nhân chủ động đề xuất phương án tham gia đầu tư cũng mở ra khả năng hợp tác thực chất, lâu dài, góp phần hiện thực hóa các mô hình PPP có hiệu quả, bắt đầu từ chính nhu cầu chăm sóc sức khỏe thiết yếu của người dân vùng cao.
Việc triển khai các dự án theo hình thức PPP trong lĩnh vực y tế như tại Nghĩa Lộ không chỉ góp phần cải thiện điều kiện khám chữa bệnh mà còn thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tìm kiếm giải pháp đột phá cho các dịch vụ công. Trong giai đoạn mới, khi Lào Cai mở rộng địa giới và xác lập vị thế trung tâm vùng, những mô hình như thế cần được nhân rộng. Hướng đi này không chỉ giúp chia sẻ gánh nặng ngân sách nhà nước mà còn kích hoạt sự tham gia mạnh mẽ hơn của khối tư nhân vào các lĩnh vực phục vụ người dân, đúng như tinh thần chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước.
![]() |
Tỉnh Lào Cai sau sáp nhập đang đặt mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng của vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, đầu tư công là cần thiết, nhưng chưa đủ. Những sáng kiến như đầu tư theo hình thức PPP trong y tế, giáo dục, hạ tầng… sẽ mở ra con đường mới, nơi Nhà nước kiến tạo, doanh nghiệp đồng hành và người dân được hưởng lợi, như việc đầu tư nâng cấp Bệnh viện đa khoa số 3 tỉnh Lào Cai (mới) theo hình thức PPP đang được triển khai thực hiện là một minh chứng điển hình.