
Một sòng bạc ở Myawaddy thuộc bang Karen (Myanmar) nhìn từ bờ sông Moei bên Thái Lan - Ảnh: Frontier Myanmar
Bài điều tra của tạp chí Frontier Myanmar (Myanmar) về ba cô gái trẻ Sara, Agnes và Cynthia (tên đã thay đổi) đã chứng minh điều đó.
Dệt lưới tình gài đại gia phương Tây
Năm 2022 từ Nam Phi, Sara đọc được quảng cáo tuyển dụng nhân viên dịch vụ khách hàng làm việc tại Thái Lan. Sau hai lần phỏng vấn video qua Skype, cô chấp nhận công việc vì thấy công ty có địa chỉ, có số điện thoại đàng hoàng.
Hai tuần sau, cô bay từ Nam Phi sang Bangkok (Thái Lan) cùng một cô bạn mới tuyển.
Cũng trong năm 2022, Agnes và Cynthia ở Nairobi (Kenya) tin tưởng người quen giới thiệu công việc dịch vụ khách hàng ở Thái Lan nên mỗi người gom góp 250.000 shilling Kenya (khoảng 2.000 USD) trả tiền cho chuyến bay từ Nairobi đến Bangkok, chi phí visa và chi phí đại lý.
Một phiên dịch viên nói tiếng Anh thay mặt ông chủ người Trung Quốc hướng dẫn họ cùng nhiều công dân Kenya khác đăng nhập vào nhóm WhatsApp. Cả nhóm mặc trang phục công sở theo hướng dẫn ra sân bay Jomo Kenyatta (Nairobi) và gửi ảnh chụp tự sướng vào nhóm WhatsApp.
Bọn buôn người sử dụng hình ảnh này để nhận dạng họ tại sân bay Bangkok rồi hướng dẫn họ gặp một nhân viên nhập cảnh quen biết đóng dấu vào hộ chiếu.
Từ Bangkok, ba cô gái được đưa lên xe tải đi hai ngày đường qua nhiều lần đổi xe đến bờ sông Moei giáp biên giới Myanmar. Họ xuống ghe sang Myanmar và được đưa đến tòa nhà có nhiều bảo vệ cầm súng canh gác.
Tại đây, hộ chiếu, máy tính xách tay và điện thoại của họ bị thu giữ. Sau ba ngày nghỉ ngơi, họ nhận được thông báo kinh hoàng: Việc làm thực sự của họ là lừa đảo trực tuyến và ai muốn về phải trả 300.000 USD. Họ phải ký vào hợp đồng làm việc 18 tháng, ai chống cự sẽ bị nhốt dưới hầm.
Mấy ông chủ gằn giọng: "Nơi này do phiến quân điều hành. Các người nếu ra ngoài sẽ chết mất xác hoặc làm nô lệ cho người khác".
Tối hôm ấy, một gã nói tiếng Trung thông qua phiên dịch viên tiếng Anh nói huỵch toẹt: "Tụi bay tới đây để kiếm tiền. Tiền, tiền và tiền. Để có được tiền thì tụi bay phải ăn cắp của ai đó".
Sara và bạn được phân công vào nhóm biết nói tiếng Anh, chủ yếu là dân châu Phi. Cô phải giả danh phụ nữ gốc châu Á giàu có đến từ Chicago (Mỹ) thích đi du lịch. Để nhân vật đáng tin cậy, cô phải nghiên cứu các địa điểm du lịch nổi tiếng, lên kế hoạch chi tiết cho kỳ nghỉ không có thật và cách sinh hoạt hằng ngày ở Chicago.
Cô lướt trên mạng xã hội (Instagram, X và Facebook) làm quen với nam giới da trắng khá giả từ 40 - 65 tuổi, chủ yếu tìm "mấy anh sống một mình, đàn ông cô đơn và các đại gia".
Sau khi con mồi tin tưởng, cô sẽ hướng dẫn con mồi vào một trang web lừa đảo. Sau khi con mồi xuống tiền đầu tư vào tiền điện tử, cô bàn giao con mồi cho trưởng nhóm tiếp tục trò mồi chài lừa đảo.
Nhóm của Agnes và Cynthia được cấp mỗi người một điện thoại iPhone cài sẵn 10 số có chức năng vẫn hoạt động dù bị chặn. Họ lên mạng xã hội giả làm phụ nữ da trắng chọn con mồi lừa đảo là nam giới có quốc tịch phương Tây như Úc, Mỹ, Canada, Anh trong khung độ tuổi và nghề nghiệp nhất định.

Các nạn nhân nước ngoài được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo gần Myawaddy ngày 17-2-2025 vẫn còn nhiều vêt thương rỉ máu vì bị tra tấn tàn bạo - Ảnh: Kyodo
Bị đánh đập, lạm dụng tình dục và bị dọa giết
Theo điều tra của tạp chí Frontier Myanmar, ba cô gái trẻ Sara, Agnes và Cynthia không hề biết tên công ty làm việc hoặc địa điểm lừa đảo trực tuyến ở Myanmar nhưng họ nhớ rất rõ kịch bản bị ép buộc.
Sara làm việc 20 tiếng mỗi ngày, bị buộc phải nhắn tin cho ít nhất 300 người mới mỗi ngày và phải có ít nhất 5 người kết nối trò chuyện. Ai không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh, bị bỏ đói, bị buộc phải chạy dưới trời mưa, bị phạt đứng trong hố nước cống lộ thiên hoặc có khi bị tăng thêm tiền chuộc.
Cô đã từng bị giam trong phòng suốt tuần, không được tắm rửa hay thay băng vệ sinh. Cô ước tính trong khu vực cô làm việc có khoảng 20 trung tâm lừa đảo với mỗi trung tâm từ 400 - 500 lao động.
Agnes cho biết các cô gái người Trung Quốc và người không biết nói tiếng Anh thường bị đối xử khắc nghiệt hơn. Cô kể: "Họ bị đánh rất dữ... Họ đi làm với nhiều vết bầm tím trên lưng".
Nhiều nạn nhân nữ còn có nguy cơ bị bóc lột tình dục. Sara nói một số cô làm không hiệu quả đã bị chuyển sang làm nô lệ tình dục. Agnes giải thích: "Họ không thể giao tiếp bằng tiếng Anh và bị chuyển sang lĩnh vực khiêu dâm vì ngoại hình trông hấp dẫn".
Ba nhân chứng đã mô tả hàng loạt chiến thuật ngăn chặn nạn nhân bỏ trốn.
Sara kể: "Chỗ làm giống như trại giam. Luôn có người theo dõi công việc chúng tôi làm, những gì chúng tôi nói và camera khắp nơi". Đã xảy ra nhiều vụ mất tích bí ẩn. Sara bộc bạch: "Bọn chúng nói: Tụi tao có thể giết mày và ném mày xuống sông mà không ai biết mày ở đâu".
Bọn chủ sử dụng nhiều chiêu dụ dỗ các nạn nhân hợp tác như cho phép sử dụng điện thoại một mình, được ra vào khu vực có nhà hàng, hộp đêm, sòng bạc, khách sạn. Nhiều nạn nhân nghiện ma túy và cờ bạc đã lao vào lừa đảo để thỏa mãn cơn nghiện. Bọn chủ còn sử dụng phương pháp thao túng tâm lý.
Sara kể: "Họ thường xuyên bắt chúng tôi phải hô: "Chúng ta rất vui khi ở đây. Chúng ta là đại gia đình". Nó giống như trò tẩy não vậy".
Sau chín tháng, Sara đã mua được tự do với giá 100.000 USD nhờ kiếm tiền từ lừa đảo trực tuyến, vay tiền của bạn bè và tiền tiết kiệm. Cô được xe đưa về thị trấn biên giới Mae Sot (miền bắc Thái Lan) và một tháng sau trở về nhà nhờ một tổ chức phi lợi nhuận chống buôn người và đại sứ quán Nam Phi giúp đỡ.
Agnes và Cynthia trở lại bên này sông Moei và bị cảnh sát Thái Lan bắt giữ vì vượt biên trái phép. Sau thời gian tạm giữ một tháng, họ hồi hương và đã làm đơn kiện bọn buôn người.
Cynthia bộc bạch: "Thật đau đớn vì những gì chúng tôi phải chịu đựng. Tiền chúng tôi tiết kiệm mất hết. Chúng tôi nghĩ mình sẽ đi lao động ở nước ngoài và có tương lai tốt hơn, nào ngờ mọi thứ lại xảy ra theo cách khác".
Các trung tâm lừa đảo trực tuyến mặc sức tung hoành ở Myanmar vì hoạt động trong những khu vực do các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số quản lý dọc biên giới Myanmar với Trung Quốc, Ấn Độ, Lào và Thái Lan.
Cuối tháng 2-2025, nhờ lực lượng biên phòng bang Karen và nhóm vũ trang Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA) phối hợp tiến hành, tổng cộng khoảng 7.000 công dân nước ngoài đã được giải cứu khỏi các trung tâm lừa đảo ở Myanmar. Các trung tâm này chủ yếu do các băng nhóm người Trung Quốc quản lý.
Trước đó vào trung tuần tháng 2-2025, 261 người nước ngoài làm việc trong các trung tâm lừa đảo ở làng Kyauk Khet thuộc Myawaddy (bang Karen) đã được đưa sang huyện Phop Phra bên kia sông Moei ở tỉnh Tak (Thái Lan) để chờ hồi hương.
Báo The Irrawaddy ghi nhận nhiều nạn nhân được giải cứu có dấu hiệu bị tra tấn dã man (bầm tím chân, tay, thân trên, mắt) và một số người đã bị rối loạn tâm thần. Họ cho biết các tay súng tra tấn họ theo lệnh của các ông chủ Trung Quốc.
******************
Các cuộc điều tra của Ấn Độ đã phát hiện đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở Lào đã trở thành hang ổ của bọn tội phạm mạng và nạn nô lệ kỹ thuật số. Nhiều nạn nhân Ấn Độ đến Thái Lan rồi bị bán sang các trung tâm lừa đảo trực tuyến trong đặc khu tương tự các nạn nhân ở Campuchia và Myanmar.
>> Kỳ tới: Đồng tiền lừa đảo đi về đâu?
