Kỹ sư bỏ công trường về vùng núi giúp bà con phát triển nguồn dược liệu

“Khi tôi rời công trường để gieo một hạt giống trên rẻo cao, nhiều người nghĩ tôi điên. Nhưng tôi biết mình đang làm điều đúng đắn: trở về với đất mẹ, với cây thuốc Nam - vốn quý của dân tộc”, Lê Đức Tài nói.
Kỹ sư bỏ công trường về vùng núi giúp bà con phát triển nguồn dược liệu ảnh 1

Anh Lê Đức Tài, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược Điền Việt Nam, một kỹ sư xây dựng có hơn 10 năm kinh nghiệm từng làm việc tại nhiều dự án lớn, từ thành phố đến vùng xa, trước khi quyết định rẽ sang một con đường hoàn toàn khác - trở thành người trồng và phát triển cây thuốc Nam.

Bước ngoặt từ bê tông về thảo dược

Là người quen với bản vẽ, tiến độ, và nhịp sống công nghiệp hối hả, anh Tài từng không hình dung rằng một ngày nào đó, mình sẽ đứng giữa rừng già, học cách phân biệt từng loại thảo dược theo mùi hương, mặt lông của lá, hay cách mọc của rễ.

Hơn 10 năm làm kỹ sư xây dựng, đến nhiều các vùng đồng bào dân tộc, chứng kiến bà con trồng cây thuốc Nam, cũng được bà con hướng dẫn thực hành tri thức dân gian chế biến và sử dụng cây thuốc Nam để chữa bệnh, Lê Đức Tài đã quyết định rẽ sang một con đường hoàn toàn khác: trở thành người trồng và phát triển cây thuốc Nam.

Kỹ sư bỏ công trường về vùng núi giúp bà con phát triển nguồn dược liệu ảnh 2

Năm 2020, anh Tài chính thức từ bỏ công việc kỹ sư trưởng tại một tập đoàn lớn, mang theo vốn liếng tích lũy, lên vùng núi Lai Châu lập trang trại trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, sâm dây, đinh lăng, hà thủ ô, lan kim tuyến…

Tiếp đó để chuyên nghiệp hoá hoạt động, anh lập doanh nghiệp tại Bản Sì Thâu Chải, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu gắn với vùng trồng thu hút du lịch. Ban đầu, bà con địa phương không hiểu anh làm gì, có người bảo: “Xây nhà to người ta mừng, tự nhiên đi trồng cỏ thì ai hiểu được”. Nhưng anh không bỏ cuộc.

Từng bước một, anh học hỏi từ các lương y, mày mò đọc sách cổ, hợp tác với các nhà khoa học và cuối cùng là tham gia vào sáng lập Dược Điền - một doanh nghiệp cùng chung lý tưởng: phát triển Nam dược - Nam y - vì sức khỏe và bản sắc Việt.

Hướng đến cộng đồng

“Trồng cây thuốc không phải để hái nhanh, bán nhanh. Có cây 5 năm mới đủ dược tính, có cây cần đất nguyên sinh, khí hậu đặc biệt. Nhưng chính điều đó mới quý,” anh Tài tâm sự.

Kỹ sư bỏ công trường về vùng núi giúp bà con phát triển nguồn dược liệu ảnh 3

Anh tin rằng cây thuốc Nam không chỉ giúp chữa lành thể chất, mà còn kết nối con người lại với thiên nhiên, với tri thức bản địa, và với lối sống bền vững hơn. “Là kỹ sư, tôi từng xây những công trình cao tầng. Là người trồng thuốc Nam, tôi đang xây lại niềm tin vào giá trị truyền thống,” anh cười.

Để đầu tư vào lĩnh vực trồng cây dược liệu thuốc Nam, trước hết, Lê Đức Tài đã kết nối với các vùng trồng dược liệu, hỗ trợ bà con trong việc mở rộng diện tích vườn trồng; khuyến khích bà con tìm những giống cây quý, có tác dụng hiệu quả tốt trong chữa bệnh, sau đó áp dụng kỹ thuật lai ghép, chăm sóc để có thể nhân rộng giống cây; bên cạnh đó, công ty cũng nhận bao tiêu nguồn nguyên liệu cũng như các bài thuốc cho bà con để tạo nên nguồn hàng dồi dào, đảm bảo các tiêu chí về an toàn, khoa học.

Giờ đây, anh Tài không chỉ là một người trồng dược liệu mà còn là cầu nối giữa Dược Điền và các hộ nông dân ở vùng cao. Anh hướng dẫn kỹ thuật, kiểm soát chất lượng, truyền đi thông điệp: “Cây thuốc Nam là của người Việt - do người Việt trồng, chăm, và dùng để chữa lành cho chính mình.”

Hành trình từ kỹ sư đến người làm thuốc Nam của anh Tài là minh chứng sống động cho một xu hướng đầy hy vọng: trở về với thiên nhiên không phải là một bước lùi mà là một bước tiến về phía con người sâu sắc hơn.