Mong gặp lại những người “bạn Sếu”
Cuối năm trời se lạnh, ông Đỗ Minh Chánh (59 tuổi), cán bộ
Ông Đỗ Minh Chánh, cán bộ Vườn Quốc gia Tràm Chim quan sát quanh Vườn
Ông Lê Ngọc Thanh, cán bộ Vườn Quốc gia Tràm Chim là dân kỳ cựu ở xứ Đồng Tháp Mười, gắn bó hơn 30 năm ở đây. Vì thế, gần như mọi chuyển biến đời sống, loài chim, nhất là sếu đầu đỏ ông nằm lòng. Ông Thanh cùng tổ kiểm tra của mình may mắn là những người đầu tiên phát hiện sếu đầu đỏ về lại Tràm Chim vào tháng 3/2024, sau 2 năm vắng bóng.
“Lúc đó, chúng tôi đi xuồng kiểm tra thiết bị phòng cháy chữa cháy ở vùng lõi khu A5 tình cờ phát hiện 4 cá thể sếu đầu đỏ. Khi ấy mọi người mừng quýnh, hô hoán lên, người lấy điện thoại quay lại. Đàn sếu bay ngang tầm mắt rồi xuống khu rừng tràm kiếm ăn khoảng 30 phút, sau đó bay đi về khu A4”, ông Thanh nhớ lại.
Ông Thanh kể, trước đây, sếu đầu đỏ thường về Tràm Chim khoảng đầu tháng 1 Dương lịch. Thế nhưng, từ sau năm 2001 tới nay, số sếu về giảm dần, có năm không về, khiến những người gắn bó như ông Thanh không khỏi buồn và hụt hẫng hệt như chia tay một người bạn thân không biết bao giờ đoàn tụ.
Với ông Thanh, Vườn Quốc gia Tràm Chim không chỉ của cây cối, chim muông còn là “chốn thiêng” cần được nâng niu, giữ gìn. Ngày ngày lắng nghe từng hơi thở của cỏ cây, từng thanh âm của muôn loài chim càng gieo thêm tình yêu rừng vào người đàn ông dạn dày sương gió.
Tín hiệu lành
Tràm Chim nổi tiếng với sếu đầu đỏ, những năm gần đây, số lượng sếu ở Tràm Chim rất thấp, có năm vắng bóng. Số lượng đàn sếu ở Campuchia và Việt Nam cũng suy giảm nghiêm trọng, từ khoảng 800 cá thể vào 2010 chỉ còn chưa đến 200 cá thể theo như số liệu thống kê gần đây nhất (tháng 5/2022). Với đà suy giảm nhanh chóng hiện nay, đàn sếu hoang dã của Campuchia và Việt Nam nguy cơ biến mất trong tương lai gần.
Sếu ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim. Ảnh: Nguyễn Văn Hùng |
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp- Phạm Thiện Nghĩa cho biết, do tác động của biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các tác động nhiều nguyên nhân đã làm cho hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi. Có nhiều loài động vật, thực vật bị suy thoái, trong đó có quần xã năng kim (thức ăn của sếu đầu đỏ) thu hẹp dần, các loài thủy sản cũng suy giảm. Cùng với việc canh tác nông nghiệp quá mức, sử dụng thuốc hóa học trong nông nghiệp, đã làm thu hẹp môi trường sinh sống của sếu đầu đỏ, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít.
Để hiện thực hóa ước mơ “đưa đàn sếu trở về”, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng và phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể Sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.
“Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ sẽ giúp cho người dân và bạn bè gần xa, khi đến với Đồng Tháp có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu về sếu đầu đỏ, để người dân càng yêu quý hơn loài chim này”, ông Nghĩa nói.
Theo thống kê của Vườn quốc gia Tràm Chim, những năm 1990, đàn sếu về vườn hơn 1.000 con, song thời gian gần đây dần thưa vắng. Cụ thể, năm 2015 số lượng sếu về chỉ 21 con, năm 2016 giảm còn 14 con, năm 2017 được 9 con, năm 2018 - 2019 được 11 con. 2020, sếu không về Tràm Chim, năm 2021 về 3 con, sau đó lại vắng bóng, phải đến tháng 3/2024 xuất hiện lại 4 con.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Quốc Phong cho biết, năm 2024 bắt đầu chứng kiến nhiều loài chim tụ hội về Vườn quốc gia Tràm Chim, đây là tín hiệu vui và 4 cá thể sếu đã về lại. Điều này cho thấy sự chuyển mình của hệ sinh thái.
Ông Phong cho rằng, với người dân Đồng Tháp, sếu về là tín hiệu của may mắn và là chỉ dấu của tự nhiên được cải thiện. “Chính điều đó thôi thúc những người làm công tác quản lý thực hiện đề án bảo tồn sếu, để trong tương lai sếu sẽ trở về Đồng Tháp như tìm về mái nhà xưa”, ông Phong nói.
Hành trình này không đơn giản, để sau 10 năm có thể thấy sếu đầu đỏ trên đồng, cần trả lại môi trường sống của sếu, sự thay đổi từ tư duy quản trị, bảo tồn, tới những người làm công tác quản lý Tràm Chim.
“Tôi mong rằng người dân Đồng Tháp sẽ xem việc bảo tồn sếu đầu đỏ là câu chuyện của chính mình, của chính nông dân Tràm Chim, bảo vệ và xem sếu như người bạn, người thân”, ông Phong nói.
Để Sếu trở về
TS Trần Triết, Giám đốc Chương trình bảo tồn Sếu Đông Nam Á - Hội Sếu quốc tế, ông có hơn 30 năm gắn bó với hoạt động bảo tồn sếu đầu đỏ. Từ nỗi niềm đau đáu, trăn trở khi đàn sếu Việt Nam - Campuchia bị đe dọa trước nguy cơ biến mất, nay ông Triết vui hơn khi thấy địa phương, người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về Tràm Chim. Để đạt được, quan trọng nhất, môi trường vùng lõi Vườn Quốc gia Tràm Chim phải được phục hồi.
“Đề án khôi phục sếu đầu đỏ của Đồng Tháp không chỉ thả ra vài con đơn lẻ, trên hết còn phục hồi lại hệ sinh thái tiêu biểu Đồng Tháp Mười và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh Đồng Tháp đi tiên phong phát triển nông nghiệp sinh thái, nếu sếu sống định cư quanh năm và sinh sản được tại Tràm Chim, đây là môi trường lý tưởng cho đàn sếu phát triển bền vững trong tương lai”, ông Triết đánh giá.
TS Triết phân tích tập tính của đàn sếu đầu đỏ Việt Nam – Campuchia, mùa mưa sẽ về sinh sản ở phía Bắc Campuchia, đến mùa khô về khu vực Đồng Tháp, Kiên Giang. Do đó, muốn có đàn sếu định cư ở Tràm Chim quanh năm, cần tạo môi trường sống lý tưởng cả về kiếm ăn và sinh sản. Sếu đầu đỏ thường ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Vì thế, ruộng lúa phải sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường...
"Tôi mong rằng, người dân Đồng Tháp sẽ xem việc bảo tồn sếu đầu đỏ là câu chuyện của chính mình, của chính nông dân Tràm Chim. Bảo vệ và xem sếu như người bạn, người thân”
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong