Hồn dân tộc giữa biển trời Tổ quốc

TP - Cứ đến 16/3 âm lịch, tại đình làng An Vĩnh, các tộc họ trên đảo Lý Sơn (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) lại tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân công lao của những binh phu Hoàng Sa năm xưa đã dong buồm, đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa như một “bản tuyên ngôn chủ quyền”, lặng lẽ và bền bỉ được gìn giữ qua bao thế hệ dân đảo.

Tiễn người đi không hẹn ngày về

Sáng 13/4 (16/3 âm lịch), Ban Khánh tiết đình làng An Vĩnh (huyện Lý Sơn) phối hợp với Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Nghi lễ được tổ chức trang trọng, kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch tỉnh Quảng Ngãi năm 2025.

Theo sử sách và gia phả các tộc họ trên đảo Lý Sơn, vào khoảng đầu thế kỷ XVII, Chúa Nguyễn lệnh cho mỗi tộc họ trên đảo (13 tộc) tuyển chọn 70 dân đinh khỏe mạnh, cường tráng, giỏi nghề đi biển và tài thao lược thành lập Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải giong buồm, vượt sóng ra khơi làm nhiệm vụ cắm mốc, đo đạc thủy trình, tìm kiếm sản vật và dựng bia chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Hồn dân tộc giữa biển trời Tổ quốc  ảnh 1

Các bô lão thực hiện nghi lễ tế trang trọng Ảnh: Nguyễn Ngọc

Hành trang họ mang theo là 6 tháng lương thực, 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi mây buộc dài và 1 thẻ bài ghi rõ danh tính, bản quán, phiên hiệu. Chiếc chiếu được các dân binh trải nằm, nhưng khi không may gặp chuyện chẳng lành giữa biển khơi thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, đó là dấu hiệu để đồng đội và thân nhân của họ nhận ra.

Đường đi bất trắc, biết sẽ gặp nhiều nguy biến nên trước khi đội dân binh lên thuyền làm nhiệm vụ, các tộc họ trên đảo Lý Sơn đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (được xem là Lễ tế sống) và dùng hình nhân thế mạng để cầu mong may mắn cho người ra đi và yên lòng cho người ở lại. Những chuyến hải trình gian nan bằng phương tiện ghe bầu thô sơ… Tuy nhiên, nhiều người trong số đó đã ra đi không trở về, thân xác đã hòa mình vào biển cả mênh mông.

Cho đến nay, người dân đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây, nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”. Câu ca ấy là lời tóm tắt số phận của những người đi lính Hoàng Sa - Trường Sa từ thuở trước.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ thức dân gian được các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 và tháng 3 âm lịch hàng năm và đã tồn tại hơn 400 năm qua. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa gồm nhiều nghi thức cúng tế như: Lễ yết, Lễ Cung nghinh, Lễ thả thuyền...

Các lễ vật gồm 5 thuyền buồm mô hình, trên khoang lái có hình nhân thế mạng. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa, cùng các vật lễ và vật dụng mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo như: vàng mã, thịt gà, xôi chè, nẹp tre, dây mây, muối gạo, củi...

Sau phần tế lễ, tiếng ốc u nổi lên hiệu lệnh cho những trai tráng làm lễ rước thuyền và hình nhân thế mạng hướng ra biển Hoàng Sa theo con đường mà các bậc tiền nhân Lý Sơn đã ra đi từ hơn 400 năm trước để thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền, hoàn thành mệnh lệnh của vua trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Gìn giữ chủ quyền biển đảo

Lễ cũng là dịp các bậc cao nhân trên đất đảo kể lại cho con cháu nhiều câu chuyện về Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, chuyện về những chuyến hải trình đầy gian khổ, nhưng cũng rất đáng tự hào, chuyện về những gương sáng vì nước quên thân của các vị cai đội Hoàng Sa như: Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật…

Trưởng Ban khánh tiết đình làng An Vĩnh Trần Cường cho biết, chúng tôi rất tự hào khi được tái hiện lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là dịp các bậc cao niên trên đất đảo kể lại cho con cháu nhiều câu chuyện về các Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, về những chuyến hải trình đầy gian khổ, nhưng cũng rất đáng tự hào. Chúng tôi sẽ cùng với thế hệ trẻ, con cháu trong các họ tộc ở huyện đảo nỗ lực gìn giữ, phát huy lễ hội truyền thống của địa phương.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng thời góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Văn Thành cho biết, ngành VH-TT&DL tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, quảng bá và tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa gắn với phát triển du lịch văn hóa biển đảo. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống của người dân và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến du khách trong nước và quốc tế.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí, nói rằng, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là hình thức tế lễ truyền thống mà còn là thông điệp mạnh mẽ khẳng định tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quật cường và trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Lễ hội truyền thống này đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tháng 4/2013. Lễ được tổ chức nằm trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2025, góp phần thu hút du khách tham quan, phát triển du lịch tại huyện đảo”, ông Trí nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Minh Trí, nói rằng, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là hình thức tế lễ truyền thống mà còn là thông điệp mạnh mẽ khẳng định tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí quật cường và trách nhiệm giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.