
Khám bệnh cho hổ trắng Thảo cầm viên Sài Gòn có tên Ngộ Không - Ảnh: Thảo cầm viên Sài Gòn
Hổ trắng có tên Ngộ Không, được sinh tại Thảo cầm viên Sài Gòn vào ngày 8-7-2015. Hổ trắng Bengal (Panthera tigris tigris) là kiểu hình của dạng đồng hợp tử gene lặn đột biến ở hổ bố và hổ mẹ.
Hổ trắng Ngộ Không có một hổ anh em là Bò Sữa và một anh trai khác. Anh trai mất sớm khi chưa tròn 6 tháng do dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa.
Hổ mẹ không đủ sữa chăm 2 con cùng lúc nên Bò Sữa được tách ra nuôi bằng sữa công thức, Ngộ Không sống với mẹ. Sau này mẹ mất, Ngộ Không ở một mình.
Cách đây hơn 2 tuần, Ngộ Không bắt đầu có biểu hiện bệnh, từ chối tất cả các loại thức ăn được cung cấp, tiêu hóa ngày càng khó khăn.
Đội ngũ bác sĩ thú y của Thảo cầm viên Sài Gòn phối hợp các chuyên gia được mời về hội chẩn. Những ngày gần đây tưởng như Ngộ Không đã hồi phục, đã có thể tươi tỉnh dạo chơi quanh chuồng và ăn hết khẩu phần thức ăn được cung cấp trong ngày.
Tuy nhiên, đến ngày 7-7, Ngộ Không trở mệt rất nhanh và mất sau đó khi vừa tròn 10 tuổi.

Hổ trắng Ngộ Không khi còn khỏe mạnh - Ảnh: LÊ PHAN
Theo Thảo cầm viên Sài Gòn, các trường hợp đồng hợp tử gene lặn đột biến phần nhiều đều gây ra những khiếm khuyết trên cơ thể. Một số biểu hiện ra bên ngoài có thể thấy được hoặc không thấy được rõ ràng, gây ảnh hưởng đến chức năng của một số cơ quan trong cơ thể.
Ở hổ Bengal trắng người ta ghi nhận các vấn đề về thị giác, thị lực kém, suy yếu miễn dịch, dị tật xương khớp, thận, thần kinh, nhạy cảm với ánh nắng... gây khó khăn trong việc tồn tại trong tự nhiên cũng như trong môi trường nuôi dưỡng có kiểm soát.
