Tên giống nhưng niềm tin khác
Những ngày qua, tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận, không ít người bệnh phản ánh việc lạc vào các cơ sở y tế có tên gọi gần giống hoặc trùng khớp với cụm từ “Mắt Sài Gòn” – vốn đã gắn bó với thương hiệu y tế chuyên sâu về nhãn khoa suốt nhiều năm qua.
Trong cơn mưa thông tin trên các nền tảng số, bản đồ trực tuyến, mạng xã hội… ranh giới giữa “Mắt Sài Gòn chính thống” và những cơ sở trùng tên trở nên mờ nhòe. Một tấm biển hiệu gắn ba chữ “Mắt Sài Gòn” bỗng trở thành điểm níu chân, dù phía sau nó là ai, là đơn vị nào, người bệnh khó lòng biết được.
“Chúng tôi không có bất kỳ liên quan nào đến các cơ sở y tế sử dụng tên gọi tương tự ‘Mắt Sài Gòn’ nhưng không thuộc hệ thống chính thống,” ông Huỳnh Lê Đức – Tổng Giám đốc Tập đoàn Y khoa Sài Gòn, sở hữu hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn tuyên bố.
Ông nói rõ, những cơ sở “na ná tên” ấy không chỉ khiến người dân hiểu lầm, mà còn có thể làm tổn hại đến uy tín mà Mắt Sài Gòn đã dày công xây dựng. “Ngay cả khi chúng tôi không trực tiếp cung cấp dịch vụ tại những nơi đó, nhưng chỉ cần người bệnh có trải nghiệm không tốt, họ vẫn có thể hiểu lầm cho bệnh viện Mắt Sài Gòn. Và điều đó khiến chúng tôi thực sự lo ngại.”
Tổn thất không đơn thuần là thương hiệu. Trong ngành y, niềm tin của người bệnh là thứ tài sản quý báu nhất – và cũng dễ tổn thương nhất. Khi người ta tin nhầm, họ không chỉ mất tiền, mất thời gian, mà còn có thể đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí là sự an toàn của bản thân..
Minh bạch thông tin để bảo vệ quyền lợi người bệnh và uy tín thương hiệu
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong, đại diện hệ thống Bệnh viện Mắt Sài Gòn cho biết, đơn vị đã công bố danh sách chính thức gồm 19 bệnh viện và phòng khám trực thuộc.
![]() |
Danh sách Bệnh viện & Phòng khám thuộc Hệ thống Mắt Sài Gòn |
Đồng thời, thiết lập hệ thống nhận diện đồng bộ, từ logo với biểu tượng chữ thập xanh lá và hình ảnh con mắt, đến đồng phục, bảng hiệu, thiết kế nội thất, đều mang dấu ấn thống nhất.
![]() |
Logo Bệnh viện & Phòng khám thuộc Hệ thống Mắt Sài Gòn |
Trang web www.matsaigon.com, tổng đài 1900 555553 hoặc 1900 555554 và các kênh mạng xã hội chính thức cũng được nhấn mạnh là nơi người dân có thể tra cứu, đối chiếu để xác nhận thông tin – thay vì “nhắm mắt tin vào Google Maps”.
Tuy nhiên, đây không thể là chuyện của một mình thương hiệu Mắt Sài Gòn. Câu hỏi lớn được đặt ra: tại sao trong một ngành đặc thù như y tế – nơi mỗi sai lệch có thể trả giá bằng sức khỏe – vẫn có thể tồn tại tình trạng đặt tên “gần giống”, dễ gây nhầm lẫn?
Theo Luật sư Trần Nam Long, chuyên về sở hữu trí tuệ, hành vi đặt tên tương tự trong trường hợp không vi phạm nhãn hiệu hoặc quyền sở hữu trí tuệ thì… hợp pháp. Nhưng ở đây, pháp lý và đạo đức lại đứng ở hai đầu cán cân. Và ranh giới mong manh đó đang trở thành kẽ hở mà không ít đơn vị y tế tự do khai thác.
“Sự giống nhau về tên gọi trong ngành y tế là điều cực kỳ nguy hiểm. Nó dễ tạo ra kỳ vọng sai lệch cho người bệnh. Tin tưởng sai địa chỉ không chỉ dẫn đến thất vọng, mà đôi khi là nguy cơ điều trị không đúng, hoặc bỏ lỡ cơ hội chữa trị kịp thời,” ông nói.
Trong bối cảnh ngành y tế ngày càng phát triển với nhiều tên gọi tương tự dễ gây nhầm lẫn, việc chủ động tìm hiểu và xác minh rõ thông tin trước khi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh là điều cần thiết. Người dân nên tham khảo từ các kênh truyền thông chính thức, tra cứu danh sách các bệnh viện, phòng khám trực thuộc thương hiệu lớn để tránh rủi ro không đáng có – từ đó bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của chính mình.