
Biển Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, từ dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính nêu "ưu tiên sắp xếp các đơn vị miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển…", các chuyên gia đánh giá việc sáp nhập Đắk Nông, Lâm Đồng vào Bình Thuận sẽ tạo lợi thế hướng ra biển cho hai tỉnh Tây Nguyên vốn nằm sâu trong nội địa.
192km mặt tiền biển

Biển phường Hàm Tiến, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Hiện Bình Thuận có ưu thế vị trí "mặt tiền" biển dài khoảng 192km và có cảng biển quốc tế Vĩnh Tân (phía bắc tỉnh).
Trong tương lai, Bình Thuận còn hình thành thêm cảng biển Sơn Mỹ ở phía nam tỉnh.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua tỉnh Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cho biết lượng khách đến tỉnh Bình Thuận tăng còn cao hơn những năm trước dịch COVID-19, nhất là khách nội. Năm 2023, ngành du lịch của tỉnh lọt vào top 10 cả nước, với doanh thu trên 10.000 tỉ đồng.
Một lần thị sát khu vực làm khu công nghiệp ở huyện Hàm Tân, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh cho rằng khu vực phía nam của tỉnh, trong đó có cảng Sơn Mỹ có nhiều lợi thế lớn khi gần sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.
Máy bay huấn luyện tại sân bay Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tỉnh Bình Thuận cũng là một trong những địa phương dự kiến có hai ga thuộc hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tỉnh cũng đang hoàn thiện khép kín hệ thống đường ven biển, vừa mở ra không gian phát triển mới, vừa kết nối với các dự án hạ tầng trọng điểm khác.
Vừa qua, Tỉnh ủy Bình Thuận đã họp bàn nghe các cơ quan chuyên môn báo cáo tiến độ làm tuyến đường gần 7.000 tỉ đồng để kết nối từ ven biển trung tâm Phan Thiết đến hệ thống đường sắt Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông và trong tương lai là hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Anh cho rằng dự án trên sẽ mở ra không gian mới, tạo động lực mới góp phần thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh.

Mô phỏng tuyến đường gần 7.000 tỉ đồng nối trung tâm Phan Thiết với các hệ thống cao tốc Bắc - Nam
Tuyến đường dự kiến có quy mô 12 làn xe, chiều dài hơn 20km với tổng mức đầu tư khoảng 6.990 tỉ đồng, trong đó có bố trí đất dự phòng để đầu tư hệ thống tuyến đường sắt nhẹ đô thị trong tương lai đồng bộ với tuyến đường bộ.
Về lộ trình, dự kiến giai đoạn 1 (2026 - 2030) sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến. Giai đoạn này sẽ đầu tư hoàn thành 6 làn xe cơ giới và các công trình hạ tầng kỹ thuật, với tổng mức đầu tư khoảng 6.470 tỉ đồng.
