Hà Nội yêu cầu đánh giá chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí lấy nước hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch

TPO - Về việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu việc lấy nước từ hồ Tây phải nghiên cứu, đảm bảo đủ công suất, nghiên cứu phân tích kỹ mẫu nước, đánh giá để không làm biến đổi thủy văn môi trường nước...

Sáng 7/7, lãnh đạo UBND TP Hà Nội họp về công tác cải tạo, chỉnh trang, vệ sinh môi trường hai bên sông Tô Lịch và việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch.

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phi Thường thông tin: Đến nay, Sở Xây dựng đã hoàn thành Giai đoạn I việc nạo vét bùn lòng sông (từ Hoàng Quốc Việt đến cầu Khương Đình) với chiều dài tuyến khoảng 7km, khối lượng khoảng 49.914 m3. Dự kiến, trong tháng 8/2025, sẽ hoàn thành Giai đoạn 2 (từ cầu Khương Đình đến chùa Long Quang) với chiều dài 5km, khối lượng khoảng 11.800 m3.

Hà Nội yêu cầu đánh giá chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí lấy nước hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch ảnh 1

Quang cảnh buổi họp sáng 7/7. Ảnh: Cổng TT Hà Nội

Về nội dung đấu nối 63 cửa xả còn lại dọc sông Tô Lịch (bổ sung thu gom cửa xả từ Hoàng Quốc Việt đến đập dâng), đến nay, đã hoàn thành đấu nối 19/63 cửa; đang thực hiện 42/63 cửa. Dự kiến hoàn thành công tác thi công trong tháng 7/2025, để thực hiện chỉnh trang sau quá trình thi công trong tháng 8/2025.

Các cửa xả còn lại từ khu vực đập dâng đến cuối sông Tô Lịch (ngã ba sông Tô Lịch, Nhuệ) phía bờ phải sông Tô Lịch còn khoảng 10 cửa xả, bờ trái hạ lưu sông Kim Ngưu còn khoảng 63 cửa xả...

Liên quan đến phương án bổ cập nước sông Tô Lịch, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trước mắt, Sở Xây dựng sẽ sử dụng nguồn nước từ Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây. Về lâu dài, Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu phương án lấy nước bổ cập từ sông Hồng.

Hà Nội yêu cầu đánh giá chặt chẽ tổng mức đầu tư, chi phí lấy nước hồ Tây bổ cập cho sông Tô Lịch ảnh 2

Rác ngập sông Tô Lịch sau cơn mưa lớn ngày 3/7

Kết luận buổi làm việc, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu từ nay đến trước ngày 30/8, các phường dọc hai bên bờ sông Tô Lịch phải triển khai xong toàn bộ việc cải tạo, chỉnh trang 2 bên sông như: lát vỉa hè, làm lan can, trồng cây xanh, thảm cỏ. Việc thi công các cửa xả thi công xong đến đâu dọn dẹp sạch sẽ hoàn trả mặt bằng sạch, đẹp đến đấy. Đồng thời, các phường dọc 2 bờ sông đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh, để rác đúng nơi quy định. Sở Nông nghiệp và Môi trường sớm triển khai đặt thùng rác dọc 2 bên bờ sông, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

Về việc bổ cập nước cho sông Tô Lịch, trước mắt việc lấy nước từ hồ Tây phải nghiên cứu, đảm bảo đủ công suất, nghiên cứu phân tích kỹ mẫu nước, đánh giá để không làm biến đổi thủy văn môi trường nước. Cùng với đó, phối hợp với đập dâng khu vực hạ nguồn Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, tạo ra được nguồn nước bổ trợ thêm vào sông Tô Lịch.

Về chủ trương lớn, lãnh đạo thành phố khẳng định: Việc lấy nước từ sông Hồng bổ cập cả cho hồ Tây và sông Tô Lịch cần phải được kiểm soát, đánh giá rất chặt chẽ về tổng mức đầu tư, chi phí thành phần, khai thác vận hành, chi phí vận hành duy tu bảo dưỡng… Đặc biệt, khi bổ cập nước vào hồ Tây phải kiểm soát chặt chẽ các điều kiện môi trường thủy văn, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ.

Rác nổi trắng sông Tô Lịch sau mưa lớn, Công ty Thoát nước Hà Nội nói gì?
Rác nổi trắng sông Tô Lịch sau mưa lớn, Công ty Thoát nước Hà Nội nói gì?
Rác 'ngập trắng' sông Tô Lịch sau cơn mưa lớn
Rác 'ngập trắng' sông Tô Lịch sau cơn mưa lớn
Đập dâng giữ nước đầu tiên trên sông Tô Lịch đã thành hình
Đập dâng giữ nước đầu tiên trên sông Tô Lịch đã thành hình