Giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội còn chậm vì nguồn cung hạn chế.
Liên quan đến lãi vay, theo Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ, lãi suất cho vay trong thời gian hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất bình quân trung dài hạn VNĐ của 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.
Từ tháng 7/2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 5 lần điều chỉnh giảm lãi vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Cụ thể, từ tháng 7/2023 đến tháng 1/2025, lãi vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được điều chỉnh giảm từ 8,7%/năm xuống 6,6%/năm ở thời điểm hiện tại.
Trong khi lãi vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với người mua nhà cũng được điều chỉnh giảm từ 8,2%/năm xuống 6,1%.
Như vậy, kể từ khi triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội đến nay, lãi vay đã giảm hơn 2%.
Bộ Xây dựng cho rằng việc giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (đến nay các ngân hàng đã cam kết tăng lên 145.000 tỷ đồng) những năm qua còn chậm.
Nguyên nhân do nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không đủ điều kiện để vay vốn như không bảo đảm điều kiện dư nợ, không có tài sản bảo đảm.
Để gỡ vướng, Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp như: Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và đôn đốc địa phương công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn.
Theo Bộ Xây dựng, cần nghiên cứu cho phép mở các chỉ tiêu, hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo hướng phần cho vay mua nhà ở xã hội không tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị sớm lập Quỹ nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng để tạo nguồn vốn dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội.

