Giá USD ngân hàng bất ngờ tăng cao nhất lịch sử

TPO - Chiều nay (13/11), giá USD bán ra tại tất cả ngân hàng thương mại đều tăng lên 25.502 đồng/USD, mức cao nhất lịch sử. Tỷ giá trung tâm cũng lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Tỷ giá trung tâm được

Giá bán USD sau khi hạ nhiệt lại lập kỷ lục mới.

Giá USD bán ra tại các ngân hàng liên tục niêm yết ở mức sát, thậm chí kịch trần cho phép trong suốt 3 tuần trở lại đây. Giá USD mua vào tại nhiều ngân hàng thương mại cũng trong xu hướng đi lên.

Cụ thể, chiều nay, Vietcombank mua vào USD với giá 25.150 đồng/USD, tăng 60 đồng so với hôm qua; BIDV cũng tăng 46 đồng sau một ngày, đưa giá mua lên 25.180 đồng. VietinBank nâng giá USD ở chiều mua vào lên mức 25.163 đồng/USD, tăng 15 đồng.

Ở khối ngân hàng tư nhân, Techcombank tăng giá USD lên mức 25.165 đồng/USD, tăng 18 đồng. Sacombank cũng tăng giá USD mua vào lên mức 25.170 đồng/USD, đắt hơn 10 đồng.

Từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%.

Trong khi đó, tại thị trường tự do, tỷ giá USD được các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch tại mức 25.540-25.650 đồng/USD (mua - bán), giảm khoảng 70 đồng ở cả hai chiều giao dịch so với hôm qua. Tuy đây không phải mức tăng kỷ lục nhưng tính từ đầu năm tới nay, giá USD tự do đã tăng khoảng 900 đồng, tương đương tăng 3,6%.

Tỷ giá USD/VNĐ bật tăng trong bối cảnh giá USD thế giới tăng mạnh.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tín phiếu và hỗ trợ thanh khoản hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở để hạ nhiệt tỷ giá.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp quan trọng về kiên định điều hành theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định giá trị VNĐ. Cùng với đó là những chính sách kết hợp lãi suất và tỷ giá để sao cho việc nắm giữ VNĐ hấp dẫn và có lợi hơn như đưa lãi suất USD đưa về 0%, thực hiện các giải pháp để ổn định tỷ giá và ban hành các thông tư hạn chế doanh nghiệp mua trước khi có nhu cầu về ngoại tệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá trên cơ sở tỷ giá trung tâm với biến động lên xuống mỗi ngày, từ đó, giúp giảm tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ và giảm tình trạng đô la hóa nền kinh tế. Người dân và doanh nghiệp theo đó có USD bán cho tổ chức tín dụng.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây là giải pháp chính sách rất hiệu quả và rất tốt, có hiệu quả cho ổn định kinh tế vĩ mô. Bằng chứng là dự trữ ngoại hối nhà nước mới gia tăng có lúc lên đến hàng trăm tỷ USD trong khi cuối năm 2015 chỉ có khoảng 30 tỷ USD.

“Nếu tăng lãi suất gửi ngoại tệ lên thì đồng nghĩa với việc người nắm giữ ngoại tệ vừa được hưởng lợi về những biến động tỷ giá, còn được lãi suất tiền gửi. Điều này có thể gây tâm lý chuyển dịch từ VNĐ sang ngoại tệ, gây rủi ro trở lại”, Thống đốc cho hay.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, chủ trương của Việt Nam là chống vàng hoá, hạn chế USD hoá. Chính vì thế, chủ trương áp lãi suất gửi ngoại tệ 0% sẽ thúc đẩy doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ sẽ bán cho ngân hàng, chuyển hoá thành VNĐ để đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Giá trị thương hiệu của VPBank thiết lập cột mốc mới, đạt 1,35 tỷ USD
Dự báo mới về lãi suất ngân hàng, tỷ giá USD
Khối ngoại 'đua' bán ròng, tỷ giá USD có bị ảnh hưởng?
Khối ngoại 'đua' bán ròng, tỷ giá USD có bị ảnh hưởng?