
Bị can Hồ Sỹ Ý (trái), Đặng Trung Kiên và tang vật là sữa bột giả bị công an thu giữ - Ảnh: VTV
Liên quan vụ án Hàm lượng dinh dưỡng sản xuất gần 600 loại sữa giả 'không được kiểm nghiệm'ĐỌC NGAY
Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an - cho biết thông qua điều tra một số vụ án gần đây, lực lượng công an nhận thấy thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm nói chung và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm chức năng nói riêng đang diễn ra rất tràn lan.
Các nghi phạm sử dụng hai thủ đoạn chính là lợi dụng quy định của Nhà nước, trong quản lý về sản xuất kinh doanh thực phẩm cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm; tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng, thành phần dinh dưỡng, tính năng, tác dụng sản phẩm. Song việc này không chịu sự quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, cấp phép trước khi lưu hành.
Các doanh nghiệp, cá nhân hiện nay cùng một lúc có thể đăng ký nhiều nhãn hàng hóa của cùng loại sản phẩm với nhiều tính năng, tác dụng ưu việt, chất lượng cao, phù hợp với nhiều nhóm khách hàng như trẻ em, người già, người ăn kiêng...
Song thực tế các sản phẩm này cùng chung nguyên liệu, công thức, quy trình sản xuất giống nhau. Chỉ bổ sung, thay thế một số nguyên liệu chính hoặc thêm hương liệu, phụ gia nhằm lừa người tiêu dùng về công dụng sản phẩm.
Một thủ đoạn khác mà các nghi phạm sử dụng là thuê các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trên mạng để quảng cáo, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên việc bán hàng được thực hiện với các thông tin sai sự thật, thổi phồng, phóng đại tính năng, tác dụng, chất lượng sản phẩm để lôi kéo người tiêu dùng và bán được số lượng hàng rất lớn, thu lời bất chính.
Ông Nguyễn Minh Tuấn thông tin hiện lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo cơ quan điều tra điều tra, xử lý một cách triệt để, nghiêm minh các hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả.
Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi quảng bá, giới thiệu, bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội của một số cá nhân nổi tiếng. Thông qua đó tạo sự răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh người tiêu dùng.
Gần 600 loại sữa giả "không được kiểm nghiệm"
Theo Bộ Công an, quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, cảnh sát thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra.
Cơ quan điều tra bước đầu xác định từ năm 2021 đến nay, Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 28 tỉ đồng.
Tại cơ quan công an, Hồ Sỹ Ý (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế".
Trong khi đó, Đặng Trung Kiên (37 tuổi) khai: "Thực tế về việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không".
