Doanh nhân được ‘chữa lành’ khi nghị quyết 68 gỡ bỏ định kiến về kinh tế tư nhân

Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân không chỉ là sự thừa nhận chính thức, mà còn giúp 'chữa lành' cho các doanh nhân sau nhiều năm khu vực tư nhân chịu rào cản định kiến.
Doanh nhân được ‘chữa lành’ khi nghị quyết 68 gỡ bỏ định kiến về kinh tế tư nhân - Ảnh 1.

Bà Lâm Thúy Ái, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty sản xuất - thương mại Mebipha, trải lòng tại hội thảo - Ảnh: NHẬT XUÂN

Ngày 24-5, tại TP.HCM diễn ra hội thảo “Nghị quyết 68: Những đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển và vai trò các hội doanh nghiệp trong bối cảnh mới” do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn phối hợp các bên liên quan tổ chức.

Xóa bỏ định kiến về kinh tế tư nhân

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống buôn bán, bà Lâm Thúy Ái, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty sản xuất - thương mại Mebipha, chia sẻ bà lớn lên cùng ánh nhìn định kiến về nghề buôn. 

Điều đó khiến bà trăn trở sâu sắc và khao khát xây dựng một doanh nghiệp chuẩn mực, được công nhận và đối xử công bằng như các tổ chức nhà nước.

20 năm sau ngày khởi nghiệp, bà Ái không chỉ xây dựng một doanh nghiệp bền vững, mà còn khẳng định bản thân trong vai trò một doanh nhân kiểu mới: sáng tạo, kiến tạo và khát vọng hội nhập.

“Ngày ấy, tôi đau đáu một câu hỏi: tại sao Việt Nam không có những doanh nghiệp như Samsung, Honda hay Toyota?” - bà Ái chia sẻ.

Để kinh tế tư nhân bứt phá: Sớm thể chế hóa nghị quyết, sửa đổi và bãi bỏ một số luật lệBước đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển

Với bà, nghị quyết 68 không chỉ “đúng” mà còn “trúng”. Bởi đây là lần đầu tiên doanh nhân được gọi là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” - một khái niệm mang tính khẳng định mạnh mẽ, giúp xóa bỏ những khoảng cách định kiến lâu nay giữa khu vực tư nhân và khối nhà nước.

"Nói vui theo giới trẻ thì gọi là được “chữa lành”. Vì cuối cùng, chúng tôi cũng được công nhận đúng vai trò" - bà Ái nói.

Ông Đỗ Văn Nho, phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình, cũng chia sẻ câu chuyện cá nhân xúc động trong khuôn khổ sự kiện: "Gia đình tôi có sáu anh em, ba tôi làm nghề giáo và nhất quyết không cho ai theo con đường kinh doanh. Trong suy nghĩ của thế hệ trước, buôn bán từng bị gán cho những định kiến nặng nề gọi là “con buôn”".

Những định kiến như vậy đã từng là rào cản lớn, khiến doanh nhân không được nhìn nhận như một lực lượng phát triển đất nước. Mãi đến sau năm 1945, khái niệm "doanh nhân" mới dần được hình thành, và phải đến năm 2004, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 mới chính thức được Thủ tướng ban hành.

Ông Nho cho rằng: “Dù đã có nhiều nghị quyết, chương trình hành động trong suốt hai thập niên qua, nhưng chỉ đến khi nghị quyết 68 ra đời, chúng tôi mới cảm nhận được sự chuyển biến rõ nét trong tư duy phát triển. Từ biểu tượng đến chiến lược, từ khuyến khích đến khẳng định vị trí trung tâm trong hiện đại hóa đất nước, đó là bước ngoặt”.

“Động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”

Ông Trần Việt Anh, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cũng bày tỏ niềm vui khi nghị quyết 68 được ban hành, lần đầu tiên kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế”.

Ngay sau khi nghị quyết được ban hành, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã chủ động khẳng định vai trò và năng lực của mình bằng các kế hoạch đầu tư quy mô lớn. “Đằng sau làn sóng đầu tư mới là sự tự tin, niềm tự hào và một môi trường chính sách thông thoáng chưa từng có tiền lệ” - ông Việt Anh nhận định.

Từ thực tế này, ông kêu gọi các doanh nhân cần nhận thức sâu sắc và tận dụng hiệu quả các cơ hội mà nghị quyết 68 mang lại, xem đây là đòn bẩy chính sách quan trọng, giúp doanh nghiệp chuyển mình bền vững trong giai đoạn mới.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - chủ tịch CLB Doanh nhân TP.HCM - khẳng định khối doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội sánh vai với khu vực công trong việc kiến tạo giá trị, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp vào các mục tiêu chiến lược quốc gia.

Doanh nhân trải lòng, cảm thấy được ‘chữa lành’ khi Nghị quyết 68 gỡ bỏ định kiến về kinh tế tư nhân - Ảnh 2.Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị quán triệt nghị quyết 66 và 68

Ngày 18-5, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 và Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị.

Đọc tiếp Về trang Chủ đề