Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng rất là lớn. Chúng ta đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu điện thoại di động và đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu máy tính và linh kiện. Ngành công nghiệp điện tử đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Việt Nam cũng lọt top 15 quốc gia xuất khẩu điện tử lớn nhất thế giới, năm 2024 kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam đạt 126,7 tỷ USD và chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Về xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng điện tử Việt Nam và Trung Quốc lại là nguồn cung nguyên liệu lớn linh kiện và nguyên liệu của ngành điện tử Việt Nam.
Theo đại diện VASI, dù đạt kim ngạch xuất khẩu rất lớn nhưng các công ty lớn đang thống trị trong sản xuất điện tử tại Việt Nam đều là các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia ở công đoạn lắp ráp với chi phí thấp và phụ thuộc lớn vào linh kiện nhập khẩu tùy vào lĩnh vực và chủng loại sản xuất. Chính vì vậy, việc Hoa Kỳ áp thuế đối với Việt Nam cao hơn các nước có thể làm cho chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng lên rất cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Việc thuế tăng cao cũng kéo theo nhiều hệ lụy: chi phí logictics cũng tăng cao do các doanh nghiệp phải tìm kiếm các nguồn cung thay thế hoặc phải thay đổi các tuyến đường vận chuyển để tránh thuế. Điều này cũng có thể dẫn tới thời gian nó cũng dài hơn và chi phí vận chuyển cao hơn vừa ảnh hưởng đến giá thành vừa ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng.
Bà Hương cho rằng, doanh nghiệp điện tử cần tham gia chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ ngay tại Việt Nam. Hiện Foxconn là công ty tổ chức gia công cho Apple đã thiết lập chuỗi cung ứng và đã có một ít doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi này.
Đa dạng hóa thị trường
![]() |
Công nhân làm việc tại nhà máy may mặc xuất khẩu Thái Anh - Hải Phòng Ảnh: Như Ý |
Về tác động với doanh nghiệp Việt, chia sẻ với PV Tiền Phong, thành viên Hội đồng quản trị một doanh nghiệp điện tử lớn ở Việt Nam cho biết, việc Hoa Kỳ tăng thuế đối ứng sẽ kéo theo 6 tác động lớn với doanh nghiệp Việt. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ, bị suy giảm thị trường xuất khẩu dẫn đến việc phải đối mặt với việc buộc phải tìm kiếm thị trường thay thế. Trên thế giới, tôi chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng đang buộc phải tìm những thị trường khác ngoài Hoa Kỳ. Việc thuế tăng cũng khiến chi phí sản xuất tăng cao, giảm năng lực cạnh tranh.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, để ứng phó với việc tăng thuế, các doanh nghiệp ngành điện tử cần tận dụng tối đa thời gian 1 tuần còn lại trước thời điểm ngày 9/7 để thực hiện hợp đồng khẩn trương hoàn thành đơn hàng hiện có để tận dụng mức thuế 10% hiện tại và tăng cường đàm phán hợp đồng ngắn hạn. Bước tiếp theo, doanh nghiệp cần phải đa dạng hóa thị trường, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng phải tự chuẩn bị kịch bản ứng phó với mức thuế cao trong dài hạn. Việc tận dụng sự hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức hiệp hội cũng để tìm kiếm thị trường mới thay thế.
“Doanh nghiệp phải tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Chính phủ đã kí với gần 70 nền kinh tế. Đây là lợi thế cho Việt Nam và chúng ta có lợi thế rất lớn đi EU, đi Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc để có thể giảm hàng xuất vào Hoa Kỳ. Với ngành điện tử, chúng ta có khá nhiều thị trường ngách chúng ta có thể đi tiếp từ Bắc Âu, từ Nam Mỹ, từ Trung Đông, Nam Mỹ, và cả ở châu Phi”, vị này nhấn mạnh. Để đa dạng thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp phải đầu tư vào nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu ở các thị trường mới để giảm rủi ro cho biến động từ thuế quan Hoa Kỳ. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số và thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến cũng là giải pháp để doanh nghiệp mở rộng thị trường. Cùng với đó, bản thân doanh nghiệp cũng cần tích cực tham gia vào các sân chơi mới nơi mà chúng ta có các hiệp định thương mại tự do mà chúng ta có nhiều lợi thế.
Cần nâng cao giá trị gia tăng
Theo một đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), ngành điện tử Việt Nam, với việc thu hút các dự án FDI lớn vào ngành điện tử những năm qua, Việt Nam đang dần trở thành một trung tâm sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong các công đoạn gia công linh kiện và lắp ráp. Các nhà đầu tư lớn, đặc biệt là từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Foxconn, và Pegatron… đã tiếp tục đổ vốn vào Việt Nam để tận dụng lợi thế về chi phí sản xuất, cũng như sự ổn định chính trị và môi trường đầu tư hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo đại diện VEIA, kim ngạch xuất khẩu điện tử của Việt Nam hầu hết nằm trong tay các doanh nghiệp FDI. Do Việt Nam tham gia vào các công đoạn cuối cùng của chuỗi cung ứng, chủ yếu là gia công và sản xuất linh kiện, lắp ráp, là vị trí thấp nhất trong đường cong nụ cười về giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng nên tỷ lệ lợi nhuận từ gia công điện tử tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng giá trị sản phẩm. Trong khi các công đoạn có giá trị gia tăng cao như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế sản phẩm, và kiểm tra chất lượng sản phẩm đều được thực hiện ở các quốc gia phát triển, hay các dịch vụ logistics, dịch vụ sau bán hàng cũng chưa được thực hiện bởi doanh nghiệp nội địa.
Để tận dụng tối đa cơ hội từ ngành điện tử, Việt Nam cần đẩy mạnh nâng cao giá trị gia tăng trong các công đoạn sản xuất, tập trung vào khâu thiết kế, nghiên cứu và phát triển, đồng thời cải thiện khả năng kết nối của các doanh nghiệp trong nước với các thương hiệu lớn. Chỉ khi làm được điều này, Việt Nam mới có thể vươn lên thành một trung tâm sản xuất điện tử không chỉ ở mức gia công mà còn sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, từ đó góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành điện tử tại Việt Nam.