Từ ngày 1/1/2026, thuế khoán - hình thức nộp thuế phổ biến của
Cả nước có gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán. Ảnh minh họa.
Chị Hoàng Thị Nga - chủ một cửa hàng tạp hóa ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) - bày tỏ: “Hiện nay tôi nộp thuế khoán khoảng 600.000 đồng mỗi tháng, đơn giản, không phải kê khai gì. Nếu chuyển sang kê khai từng quý, lại phải học làm sổ sách, lo giấy tờ, tính toán... thì tôi e là không kham nổi”.
Với việc xóa bỏ thuế khoán từ năm 2026, các hộ kinh doanh sẽ phải chuyển sang kê khai. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng việc kê khai không đồng nghĩa, tất cả phải áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo phương pháp khấu trừ. Phương pháp đơn giản hơn là nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu thực tế.
Đối với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 1 tỷ đồng, họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế, nhưng theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu phát sinh trong kỳ, chứ không phải khoán cố định cả năm. Đơn cử, theo quy định hiện hành, hoạt động thương mại, bán hàng hóa: 1% thuế VAT và 0,5% thuế thu nhập cá nhân; dịch vụ sửa chữa ô tô có thể áp dụng thuế suất 7% trên doanh thu; cho thuê nhà có thể áp dụng thuế suất 10% (gồm cả VAT và thuế thu nhập cá nhân).
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, để hộ kinh doanh sẽ chuyển thành doanh nghiệp, điểm mấu chốt là phải giải tỏa tâm lý cho họ, để họ không còn suy nghĩ lên doanh nghiệp sẽ mất nhiều hơn.
Cơ chế, chính sách đã có, nhưng phải giải thích cho hộ kinh doanh hiểu, lên doanh nghiệp sẽ được ưu đãi nhiều hơn, chứ không phải phiền hà, tốn kém, bị quấy rầy nhiều… Môi trường kinh doanh phải đảm bảo bình đẳng tiếp cận quyền lợi cho các hộ kinh doanh, sau khi phát triển thành doanh nghiệp. Bình đẳng về đất đai, hạ tầng, tín dụng, cơ hội kinh doanh, nguồn lực con người.
Đặc biệt, ông Phong nhấn mạnh việc công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng sân sau, thân hữu khiến người kinh doanh chân chính “nản”.
“Luật doanh nghiệp cần có phân ngành luật dành riêng cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Cũng mang tên doanh nghiệp, nhưng quy định với nhóm này làm sao dễ phổ cập, tuân thủ. Doanh nghiệp chỉ cần 1 người, 1 máy tính có thể hoạt động được, với hệ sinh thái hỗ trợ dùng chung như kế toán, thuế… Quy định cho doanh nghiệp ít người, nhiều người phải khác nhau, đơn giản hóa”, ông Phong khuyến nghị.

