Địa giới hành chính 4.0 - kỳ cuối: Giảm gánh nặng ngân sách, tăng hiệu quả quản lý

TP - Việc tinh gọn bộ máy không chỉ giúp nâng cao hiệu quả điều hành, còn mở ra không gian phát triển mới, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án đủ sức kết nối liên vùng. PV Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS. Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long - về vấn đề này.

Bối cảnh mới cần cách làm mới

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử có những yêu cầu quản lý và phát triển riêng, việc chia tách hay sáp nhập các đơn vị hành chính cần được xem xét trong bối cảnh cụ thể. Trước đây, việc chia nhỏ tỉnh thành nhằm phục vụ nhu cầu quản lý hành chính trong điều kiện hạ tầng giao thông hạn chế, công nghệ chưa phát triển và phương thức làm việc chủ yếu thủ công. Khi đó, người dân và chính quyền phải di chuyển để gặp trực tiếp mới làm được các thủ tục hành chính, trong khi điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, đường sá chưa phát triển, phương tiện đi lại thô sơ. “Thời kỳ đó, ngay công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành cũng gặp nhiều trở ngại, do khoảng cách xa và thông tin truyền đạt chậm trễ. Vì vậy, trong bối cảnh đó, việc chia nhỏ các tỉnh thành là cần thiết”, ông Hiệp nói.

- Vậy thực tiễn trong nước và quốc tế, ông nhận thấy những kết quả gì từ sáp nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện?

Trước năm 1976, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tỉnh nhỏ như Phong Dinh, Sa Đéc, Long Châu Hà (bao gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên). Sau đó, Nhà nước quyết định sáp nhập một số tỉnh để tạo ra các đơn vị hành chính có quy mô lớn hơn như Hậu Giang (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang ngày nay), Cửu Long (gồm Vĩnh Long, Trà Vinh), Minh Hải (gồm Bạc Liêu, Cà Mau)... Đến những năm 1990, các tỉnh này lại được tách ra để phù hợp với điều kiện quản lý lúc bấy giờ.

Nhìn ra thế giới, nhiều quốc gia phát triển cũng từng trải qua quá trình chia nhỏ đơn vị hành chính để thuận tiện cho quản lý, sau đó hợp nhất khi điều kiện phát triển cho phép. Chẳng hạn, Nhật Bản trước đây có hàng nghìn đơn vị hành chính nhỏ, nhưng từ những năm 2000, Chính phủ nước này đã thực hiện chính sách hợp nhất nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính địa phương, tăng hiệu quả quản lý và tập trung nguồn lực.

Địa giới hành chính 4.0 - kỳ cuối: Giảm gánh nặng ngân sách, tăng hiệu quả quản lý ảnh 1

Cán bộ Đoàn Thanh niên ở Hậu Giang đi từng nhà vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt trên điện thoại thông minh. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Hay trường hợp của Pháp, nước này có nhiều năm duy trì 4 cấp hành chính. Từ năm 2015, Pháp đã hợp nhất các vùng nhằm giảm chi phí bộ máy, tăng hiệu quả quản lý, số đơn vị hành chính cấp vùng giảm từ 22 xuống còn 13. Qua đó giúp chính quyền tập trung ngân sách cho phát triển thay vì chi tiêu cho bộ máy hành chính.

- Bối cảnh mới hiện nay của nước ta, theo ông, đâu là những cơ sở vững chắc cho việc định hướng nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tăng cường cho cấp xã?

Đầu tiên, hiện hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc so với trước đây. Dù vùng ĐBSCL vẫn còn một số điểm nghẽn giao thông, nhưng các tuyến cao tốc và quốc lộ đã kết nối các tỉnh, trung tâm đô thị, đường liên thôn, liên xã dần đồng bộ, giảm đáng kể thời gian di chuyển. Ngày nay, từ miền Tây lên TPHCM chỉ mất hơn 2 tiếng rưỡi, trong khi trước đây tuyến này phải qua nhiều phà lớn vượt sông Tiền, sông Hậu, rất khó khăn, trắc trở, mất nhiều thời gian. Cùng với các loại hình vận tải hiện đại như tàu cao tốc, máy bay, ô tô… có chi phí hợp lý hơn, thời gian nhanh hơn, giúp việc đi lại thuận lợi hơn.

Địa giới hành chính 4.0 - kỳ cuối: Giảm gánh nặng ngân sách, tăng hiệu quả quản lý ảnh 2
Chuyên gia kinh tế Trần Hữu Hiệp.

“Khi giảm số lượng đơn vị hành chính, khối lượng công việc của mỗi cán bộ tăng lên, đòi hỏi họ phải có năng lực xử lí đa nhiệm hiệu quả. Chính quyền cấp xã cần được trao quyền nhiều hơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lí dân cư, đất đai, tranh chấp xã hội”.

TS Trần Hữu Hiệp

Đặc biệt, ngày nay công nghệ thông tin, ứng dụng số trong quản lý hành chính dần hoàn thiện. Những năm qua, Chính phủ điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã giúp người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục từ xa, bất kể giờ nào, không cần đến trực tiếp cơ quan nhà nước vào giờ hành chính. Hệ. thống mã định danh cá nhân, dữ liệu số đang dần thay thế giấy tờ bản giấy.

Cùng đó, các cơ quan nhà nước có thể làm việc trực tuyến, giúp tiết kiệm chi phí hành chính, giảm bớt trung gian. Việc tăng cường chính quyền cấp xã cũng được chú trọng, đây là cấp chính quyền gần và sát dân nhất, nắm rõ nhất từng gia đình, từng cá nhân. Thực tế, thời gian qua công an chính quy về xã giúp quản lý an ninh trật tự hiệu quả hơn. Một số xã, huyện ở ĐBSCL từng sáp nhập để tăng quy mô quản lý, giảm bộ máy, nhưng việc sáp nhập cấp huyện, xã vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề tinh gọn bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực.

Thực tiễn trong nước đã chứng minh tính khả thi của việc sáp nhập, như trường hợp tỉnh Cửu Long trước đây với việc mở rộng quy mô huyện Càng Long và huyện Tam Bình. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn duy trì mô hình huyện nhỏ, dẫn đến chi phí hành chính cao và ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành. Điều này cho thấy cần tiếp tục cải cách cấp hành chính trung gian, phù hợp với định hướng tại Kết luận 127 của Bộ Chính trị.

Cốt lõi từ hạ tầng giao thông, số hóa

- Để việc sáp nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện thành công, theo ông cần tập trung giải quyết những vấn đề gì thời gian tới?

Trước hết, phải đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và công nghệ số, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các khu vực, số hóa dữ liệu hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý, giúp một người làm được nhiều việc. Tiếp theo, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thủ tục và quy trình rườm rà, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu suất xử lý hồ sơ. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt cấp xã.

Khi giảm số lượng đơn vị hành chính, khối lượng công việc của mỗi cán bộ tăng lên rất nhiều, đòi hỏi cán bộ phải có năng lực xử lý đa nhiệm hiệu quả. Chính quyền cấp xã cần được trao quyền nhiều hơn để giải quyết các vấn đề liên quan đến quản lý dân cư, đất đai, tranh chấp xã hội…

Một yếu tố quan trọng khác, việc sáp nhập địa giới hành chính cần có sự đồng thuận từ hệ thống chính trị, từng cán bộ Nhà nước, tới người dân, doanh nghiệp để không làm gián đoạn công việc, tránh tâm lý ngại sự thay đổi. Bài học từ thực tiễn cho thấy, việc đưa công an chính quy về xã đã giúp đảm bảo an ninh, giảm tội phạm và nâng cao hiệu quả quản lý. Nếu chính quyền cấp xã được trao thêm quyền về quản lý kinh tế, đất đai, hành chính, chắc chắn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý địa phương. Trên thế giới, Canada từng thực hiện mô hình “siêu đô thị” (Mega City), hợp nhất nhiều đơn vị hành chính nhỏ để tạo vùng đô thị lớn hơn, tận dụng tốt nguồn lực và cải thiện hiệu quả quản lý công.

Có thể thấy, chủ trương tinh gọn bộ máy hành chính bằng sáp nhập tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, tăng cường chính quyền cấp xã là một bước đột phá hướng tới nền hành chính hiện đại, tiết kiệm và hiệu quả. Nếu thực hiện thành công, điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng ngân sách mà còn tạo điều kiện để các địa phương phát triển mạnh hơn nhờ tập trung nguồn lực, mở rộng không gian và phát huy năng lực chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, quá trình này đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến nhiều bên để tạo đồng thuận cao nhất. Với quyết tâm chính trị cao, kết hợp cách thực hiện khoa học và thực tiễn, quá trình trên hứa hẹn mang lại hiệu quả bền vững, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn mới.

- Xin cảm ơn ông!