Nhiều nông dân và KOL đã chuyển mình, tận dụng công nghệ livestream để quảng bá sản phẩm, đưa hình ảnh
Tạ Công Bằng (bìa trái) livestream bán đặc sản miền Tây qua kênh TikTok với hơn 5 triệu lượt theo dõi - Ảnh: THANH HUYỀN
Mua bán nhanh gọn
Anh Nguyễn Minh Thái, nông dân huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cho biết cơ sở của anh chuyên sản xuất mắm cá mào gà đạt chuẩn OCOP 3 sao. Tuy nhiên, do vị trí địa lý xa xôi, việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng gặp nhiều khó khăn. Năm nay, anh quyết định sử dụng TikTok để livestream bán hàng trong những ngày cận Tết.
"Ban đầu, lượng khách chưa nhiều, nhưng kiên trì livestream đã giúp tôi dần có khách quen và họ còn giới thiệu thêm người mua. Hiện mỗi phiên livestream, tôi bán được vài chục sản phẩm. Khách hàng mua trực tiếp qua live thường nhận được giá sỉ, còn tôi cũng bán được nhiều hơn, hạn chế qua trung gian", anh Thái chia sẻ.
Tương tự, chị Quách Ái, chủ kênh TikTok "Quách Ái Miền Tây" với hơn 269.000 lượt theo dõi, ban đầu chỉ "thử sức" khi thấy nhiều người livestream bán hàng. Chị tập trung vào các sản phẩm đặc sản quê nhà như chuối khô, mứt dừa, cá, mực khô.
"Nhờ được đông đảo người ủng hộ, tôi đầu tư thêm vào tiểu cảnh, quay video chế biến món ăn. Hiện mỗi tháng, doanh thu đạt trên 100 triệu đồng", chị Ái tự hào.
Những TikToker, YouTuber và Facebooker là nông dân hoặc KOL "tay ngang" đang biến mạng xã hội thành một chợ Tết trực tuyến đa dạng. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm nhanh gọn mà còn quảng bá mạnh mẽ các sản vật miền Tây, đưa nét đặc trưng của địa phương đến gần hơn với người tiêu dùng khắp nơi.
234 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Ông Phạm Thanh Hoài, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, cho biết năm 2024, tỉnh có 4.700 hộ nông dân sở hữu tài khoản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Đã có 159 gian hàng với 234 sản phẩm OCOP và đặc sản địa phương được đưa lên sàn thương mại nông sản điện tử B2B Felix.store nhằm kết nối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Ngoài ra, nhiều nông dân còn mở rộng bán hàng qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, TikTok. Ông Hoài nhận định dù hiệu quả bán hàng trên sàn thương mại điện tử chưa thể đánh giá toàn diện, nhưng bước đầu đã giúp quảng bá rộng rãi hình ảnh nông sản và sản phẩm OCOP của địa phương đến với nhiều khách hàng.
Cá thát lát xuất khẩu
Bà Nguyễn Kim Thùy, giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), cho biết hợp tác xã đang chế biến cá thát lát theo quy trình sạch, an toàn để xuất khẩu. Gần đây hợp tác xã đã xuất 20 tấn thịt cá thát lát sang thị trường Mỹ và Hàn Quốc.
Các sản phẩm chủ lực như cá thát lát rút xương tẩm vị, cá thát lát tẩm sả ớt, bánh phồng cá thát lát, chả cá thát lát gia vị... hiện có mặt tại nhiều siêu thị lớn và kênh phân phối trong nước. Ngoài ra hợp tác xã còn đẩy mạnh bán hàng qua website và Facebook, giúp khách hàng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn, tăng tốc độ mua bán.