Ngày 4/7, Thượng tá Trần Hữu Ích - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang triển khai xây dựng dự án bãi đáp trực thăng ở xã Trà Cang, huyện Nam Trà My cũ (nay là xã Trà Tập, thành phố Đà Nẵng) với kinh phí 7 tỉ đồng.
![]() |
Bãi đáp trực thăng đang xây dựng ở xã Trà Tập. |
Theo đó, dự báo trong mùa mưa năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, ngay cả khi mùa nắng tháng 6 vừa qua cũng xảy ra mưa lũ ở các xã ven sông, gây sạt lở. Đặc biệt ở khu vực các xã của huyện Nam Trà My cũ, địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, dễ bị chia cắt, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn.
Để chủ động ứng phó, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, việc đầu tư xây dựng nơi tập kết vật chất phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn cho các xã trước và trong mùa mưa bão, đồng thời làm bãi đáp trực thăng trong trường hợp các tuyến đường bị chia cắt là rất cần thiết và cấp bách.
Do đó Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng đã chủ động tham mưu lãnh đạo ban bố lệnh khẩn cấp để triển khai xây dựng bãi đáp trực thăng với mục đích khi các xã miền núi bị cô lập, chia cắt vùng núi sẽ đưa lương thực thực thực phẩm và vận chuyển cho người dân, phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn.
Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP Đà Nẵng cũng cho biết thêm, hiện nay đơn vị tiếp tục triển khai tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ra lệnh khẩn cấp xây dựng bãi đáp ở xã Axan, huyện Tây Giang cũ (nay là xã Hùng Sơn, thành phố Đà Nẵng) trên diện tích khoảng 1,1 ha, mức đầu tư đề xuất từ 7-10 tỷ đồng. Dự án nhằm ứng phó trong mùa mưa bão năm nay và sắp tới đối với nhân dân ở các huyện Nam Giang và Tây Giang cũ. Dự án đã được khảo sát và thống nhất xây dựng với Sư đoàn Phòng không 372.
![]() |
Bãi đáp trực thăng ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cũ) |
Trước đó, năm 2021, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Nam (cũ) đã triển khai xây dựng bãi đáp trực thăng ở xã Phước Thành (huyện Phước Sơn cũ) với kinh phí 5 tỷ đồng. Bãi đáp trực thăng này đã phát huy hiệu quả việc cứu nạn, cứu hộ trong những năm qua.
Đây là điểm tập kết lương thực, có kho chứa vật chất, đã tổ chức sử dụng tập kết lương thực thực phẩm trước khi mùa mưa bão ập đến để vận chuyển đến người dân các xã.



