
Thông tin "táo ở Ý có mật độ dinh dưỡng cao hơn táo ở Mỹ" gây hiểu lầm - Ảnh: FREEPIK
Những so sánh giữa chất lượng thực phẩm ở Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt là Ý, rất phổ biến trên mạng xã hội. Một tập phát sóng mới đây của kênh The Ultimate Human Podcast đã so sánh mật độ dinh dưỡng giữa táo Mỹ và táo Ý, đưa ra tuyên bố gây hoang mang nói trên.
The Ultimate Human Podcast là kênh podcast tập trung vào các chủ đề về sức khỏe, biohacking, dinh dưỡng, phát triển cá nhân, với nhiều khách mời nổi tiếng trong lĩnh vực sức khỏe và thể hình như Dana White (CEO UFC), Dr. Mehmet Oz, Paul Saladino MD..
Táo Mỹ không bổ dưỡng bằng táo Ý?
Tuyên bố lan truyền nói: "Ví dụ như một quả táo ở Mỹ, bạn ăn một quả thật ra chỉ nhận được lượng dinh dưỡng bằng một phần tư. Vì vậy, bạn phải ăn tới sáu quả mới đủ. Trong khi đó, khi ăn một quả táo hay cà chua ở Ý, bạn sẽ thốt lên 'Sao ngon quá vậy!', rồi nhận ra 'À đúng rồi', vì mật độ dinh dưỡng của nó cao hơn".
Trang kiểm chứng thông tin thực phẩm FoodFacts đã kiểm tra cơ sở khoa học đằng sau tuyên bố "táo Ý giàu dinh dưỡng hơn táo Mỹ" và kết luận đây là nhận định gây hiểu lầm.
Dù hàm lượng dinh dưỡng trong táo có thể thay đổi tùy giống, thổ nhưỡng và phương pháp bảo quản, không có bằng chứng cho thấy sự khác biệt quá lớn giữa táo Mỹ và táo Ý. Táo ở cả hai nơi đều có thể bổ dưỡng và có lợi cho sức khỏe.
Thực tế, dưỡng chất trong táo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống cây, loại đất, khí hậu, cách bảo quản và chế biến.
Táo Mỹ cũng có thể rất tươi, tùy thuộc nguồn gốc và thời điểm mua. Ngay cả khi được bảo quản vài tuần, táo vẫn mang lại lợi ích sức khỏe đáng kể. Tại cả Mỹ và Ý, người dân đều có thể mua táo ở chợ địa phương hoặc siêu thị.
Tuyên bố này khai thác niềm tin rằng thực phẩm châu Âu luôn tốt hơn thực phẩm Mỹ. Một phần lý do khiến trái cây, rau củ ở châu Âu có vẻ ngon hơn là do văn hóa tiêu dùng và thói quen mua sắm.
Tại các nước như Ý, Pháp, người dân thường ghé chợ nhỏ vài lần mỗi tuần. Chuỗi cung ứng ngắn giúp thực phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn so với hàng nhập siêu thị.
Bên cạnh đó, khách du lịch hay người Mỹ sống ở châu Âu có xu hướng ăn trái cây tươi mua ở chợ hoặc thưởng thức thực phẩm theo mùa tại nhà hàng - trải nghiệm rất khác so với việc mua trái cây đóng gói tại siêu thị Mỹ.
Điều này củng cố cảm giác "trái cây châu Âu ngon hơn", trong khi phần lớn khác biệt nằm ở bối cảnh, không phải hàm lượng dinh dưỡng.
Những tuyên bố kiểu này dễ đánh lạc hướng khỏi các khác biệt thật như cách trồng trọt hay văn hóa tiêu dùng. Thay vào đó, chúng làm lan truyền niềm tin sai lệch rằng thực phẩm chỉ tốt nếu đến từ nguồn "cao cấp".
Điều quan trọng hơn cả là nên ăn trái cây tươi thường xuyên, từ bất kỳ nguồn an toàn nào mà bạn có thể tiếp cận.
