Chiều 8/4,
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: QP.
Tại buổi làm việc, ông Trang nêu, phương án dự kiến theo chỉ đạo của Trung ương về việc giảm 50% đơn vị hành chính cấp xã, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ còn 260 xã, phường. Để thích ứng, trung tâm hướng tới phục vụ đa điểm, phân tán theo khu vực.
Theo đó, Trung tâm điều hành cấp thành phố sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước; chuyển đổi số; quản lý vận hành, xử lý nghiệp vụ tập trung. 12 chi nhánh khu vực với 30 điểm tiếp nhận dịch vụ công chính sẽ phụ trách trực tiếp địa bàn, xử lý hồ sơ chuyên sâu; tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ người dân, trả kết quả. Ngoài ra, sẽ có các trạm hỗ trợ công dân số tại các phường, xã, trạm hỗ trợ lưu động/online: Hỗ trợ số lưu động, ki ốt số, trợ lý ảo.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu đơn vị liên quan của thành phố nghiên cứu kỹ, đến tháng 6/2025 phải định vị được vai trò, vị trí của Trung tâm Phục vụ hành chính công trong bộ máy hành chính mới.
"Trung tâm Phục vụ hành chính công có vai trò đặc biệt quan trọng trong bộ máy hành chính, nó là công cụ góp phần xoá đi địa giới hành chính, xoá đi ranh giới giữa các ngành, các cấp với nhân dân; giúp cán bộ, công chức gần dân hơn. Đồng thời trung tâm cũng là kênh giám sát các quy trình thủ tục hành chính nội bộ của các sở, ngành", ông Thanh nói.
Chủ tịch Hà Nội nêu, khi xử lý thủ tục "phi địa giới hành chính", thì người dân "cứ chỗ nào gần giải quyết thủ tục hành chính là đến; gặp trụ sở ở đâu là có thể giải quyết được thủ tục hành chính, như vậy mới là xã hội văn minh".
Đáng chú ý, theo ông Thanh, thời gian tới, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính thành phố sẽ "phụ thuộc vào trung tâm", yêu cầu trung tâm phải nhanh chóng thiết kế lại các quy trình thủ tục hành chính của thành phố với mục tiêu giảm quy trình thủ tục, hồ sơ giấy tờ hành chính của người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội nhấn mạnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công ra đời không phải là nơi thu hút thật đông người vào nộp hồ sơ; cũng không phải là đơn vị làm thay việc của các sở, ngành khác.
"Trung tâm phải là nơi để người dân nộp hồ sơ cho các sở ngành thuận tiện nhất, đồng thời là kênh giám sát, kiểm soát hồ sơ còn bị chậm ở khâu nào để đôn đốc, xử lý", ông Trần Sỹ Thanh nói.

