Bộ sách mà đội nhóm Phó Đức Nam lôi kéo nhà đầu tư
Kết luận điều tra cũng chỉ ra công ty trong đường dây của Nam không đăng ký hoạt động về chứng khoán, tài chính nhưng vẫn tuyển dụng khoảng 1.000 nhân viên để hoạt động trong lĩnh vực giao dịch ngoại hối, chứng khoán phái sinh.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang web gồm: Alpha.com, Gtmx.com, Btfx.com, Enzofx.com, Gkfx.com có giao diện tiếng Anh để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư đây là các sàn giao dịch quốc tế, có uy tín.
Tuy nhiên thực chất các trang web này đều được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng do các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch này đều được kết nối với ứng dụng MetaTrader 4, MetaTrader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới.
Ngoài việc thuê đội ngũ nhân sự để telesale rầm rộ, Mr. Pips với độ nổi tiếng về sự giàu có, xa hoa trên mạng nên nhiều người cũng chủ động liên hệ trực tiếp với nhân vật này.
Sau khi vụ việc lừa đảo của Phó Đức Nam vỡ lở, trên các diễn đàn, nhiều người phản ánh biết tới Nam là chuyên gia về đầu tư và thường xuyên đăng những video, hình ảnh giàu có trên TikTok và Facebook nên hiếu kỳ, cũng muốn được thành công như vậy.
Ngoài ra, để lấy lòng tin và khẳng định mình không lừa đảo, trang mạng xã hội của Nam còn thường xuyên cảnh báo nhà đầu tư việc nhiều đối tượng mạo danh Mr. Pips để đi lừa đảo đầu tư tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối...
Cam kết chắc chắn lãi, bao lỗ 100% - dấu hiệu lừa đảo điển hình
Cách thức điển hình mà các đối tượng lừa đảo trong đầu tư thường làm đó là "khoe giàu, lãi, bao lỗ". Trong vụ Mr. Pips, các đối tượng cũng sử dụng cách thức này.
"Giao dịch thua lỗ lâu năm, đưa tài khoản cho anh Pips kéo nhân đôi chỉ trong 1 ngày", một dòng trạng thái của Phó Đức Nam dùng để câu kéo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đặng Trần Phục, chủ tịch HĐQT công ty chuyên đào tạo tài chính, chứng khoán AzFin Việt Nam, cho rằng nhà đầu tư cần cẩn trọng trước những lời mời đầu tư chắc chắn lãi.
Ông Phục cũng nhận thấy các kênh đầu tư ở Việt Nam chưa đa dạng, trong khi mức độ hiểu biết tài chính của đa số người dân còn chưa cao. Do vậy, với những lời hứa "bao lỗ" hoặc "cam kết lãi 100%" vẫn được nhiều đối tượng đem ra làm chiêu bài dụ dỗ.
Theo ông Huỳnh Hoàng Phương - cố vấn mảng quản lý gia sản của FIDT, ngoài lý do thiếu hiểu biết và cả lòng tham dẫn đến bị lừa, gốc rễ của nhiều vụ lừa đảo thời gian qua cũng đến từ việc thiếu các kênh đầu tư, trong khi lãi suất ngân hàng về mức rất thấp.
Để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, các chuyên gia đều khuyến nghị nhà đầu tư kiểm tra giấy tờ pháp lý của công ty dự định hợp tác đầu tư hay ủy thác, và các nhân viên môi giới (bắt buộc có chứng chỉ hành nghề).
Sự nâng cao cảnh giác và tìm hiểu kỹ thông tin của nhà đầu tư khi được mời tham gia đầu tư vào các loại chứng khoán thông qua các sàn giao dịch chứng khoán để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra vẫn là giải pháp quan trọng.