Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức hội thảo.
Trước tình hình đó, các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực, từ Chính phủ đến bộ ngành, địa phương đều đặc biệt quan tâm và có những giải pháp, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo điện do đất nước.
Các đơn vị điện lực cũng đã chủ động xây dựng kịch bản vận hành lưới điện ở các mức tăng trưởng phụ tải khác nhau, đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đầu tư xây dựng nhằm bảo đảm cung cấp điện mùa khô năm 2025, hoàn tất các công tác sửa chữa bảo trì lưới điện. Tuy nhiên, trước diễn biến bất thường, bất lợi của thời tiết và dự báo nắng nóng gay gắt trong thời gian tới, cùng nhu cầu phụ tải tăng nhanh, ngành điện vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội, sinh hoạt của người dân những tháng cao điểm nắng nóng.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và mọi người dân cũng luôn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng không nhỏ về đời sống, sinh hoạt, sản xuất kinh doanh… do thiếu điện gây ra, hoặc do phải sự dụng nhiều điện dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng vọt trong mùa nắng nóng. Đó chính là lý do hôm nay Báo Tiền Phong phối hợp Tập đoàn EVN tổ chức hội thảo Đáp ứng điện mùa nắng nóng - thách thức và giải pháp.
Hội thảo nhằm tìm kiếm, thúc đẩy các biện pháp thực hiện nhiệm vụ cung cấp điện và tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải điện (DR) mùa nắng nóng năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời nhận diện những khó khăn vướng mắc đang gặp phải để từ đó đề xuất những giải pháp, cơ chế chính sách tháo gỡ nhằm đảm bảo việc phát triển, cung ứng điện cho phát triển và sinh hoạt của người dân.
![]() |
Quang cảnh hội thảo. |
Hội thảo có sự quan tâm và tham gia của các cơ quan quản lý ở Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị ngành điện, các doanh nghiệp, người dân là khách hàng sử dụng điện.
Thay mặt Báo Tiền Phong, ban tổ chức, tôi xin bày tỏ sự trân trọng cảm ơn lãnh đạo các cơ quan quản lý ở Trung ương và các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị ngành điện, doanh nghiệp, người dân là khách hàng sử dụng điện, các đồng nghiệp và sinh viên… có mặt tại đây cũng như đang theo dõi chương trình phát trực tuyến trên nền tảng điện tử của Báo Tiền Phong và Tập đoàn EVN.
21/04/2025 14:43
Nhìn nhận thực trạng cung ứng điện an toàn mùa nóng nắng
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN:
Trong những ngày vừa qua, cả nước, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam đang trải qua đợt nắng nóng với nhiệt độ tại nhiều địa phương đã chạm ngưỡng 38 độ C. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện tăng vọt, đặc biệt là điện sinh hoạt và điện cho làm mát. Đây là áp lực không nhỏ đối với hệ thống điện quốc gia, từ khâu phát điện, truyền tải cho đến phân phối điện.
Trong nhiều năm qua, sự phối hợp giữa EVN và bạn đọc báo Tiền Phong đã trở thành một cầu nối truyền thông hiệu quả - từ tuyên truyền sử dụng điện an toàn - tiết kiệm, đến phổ biến các chính sách điện lực, và giải đáp thắc mắc của người dân.
![]() |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. |
Hội thảo "Đáp ứng điện mùa nắng nóng - thách thức và giải pháp" do Báo Tiền Phong phối hợp cùng EVN và các đơn vị thành viên của EVN như Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) tổ chức với mục tiêu cùng nhìn nhận thực trạng, chia sẻ khó khăn và thảo luận các giải pháp đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, hiệu quả trong mùa nắng nóng.
Để đảm bảo điện cho mùa nắng nóng, không thể chỉ dựa vào nỗ lực của ngành điện, mà cần sự đồng hành, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ từ người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Chúng tôi cũng đang nỗ lực đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ số và tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thành viên để đảm bảo cung cấp điện trong những ngày cao điểm. Qua hội thảo, tôi hy vọng các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, Sở Công Thương, doanh nghiệp trọng điểm, khách hàng sử dụng điện cùng chung tay, chung sức, chung lòng để đưa đến những giải pháp bền vững vẫn nằm ở việc sử dụng điện hợp lý, hiệu quả từ phía người tiêu dùng.
21/04/2025 14:54
Thách thức cho ngành điện lực từ mục tiêu tăng trưởng hai con số
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương:
Việc bảo đảm cung cấp điện cho đời sống dân sinh, phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được sự quan tâm, theo dõi sát sao từ các cấp chính quyền, đông đảo người dân. Việc bảo đảm cung cấp điện cần phải đáp ứng kịp thời nhu cầu phụ tải tăng nhanh từ quá trình phát triển kinh tế, nhu cầu phục vụ đời sống, sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân.
![]() |
Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương. |
Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã xác định mục tiêu phấn đấu đạt mức tăng trưởng khoảng 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Điều này cũng đặt ra những thách thức nhất định đối với ngành điện lực. Năm 2025 cũng là năm diễn ra nhiều dịp kỷ niệm lớn như 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày đất nước thống nhất… cùng nhiều sự kiện hoạt động chính trị - ngoại giao - văn hóa.
Trong khi đó, diễn biến thời tiết khó lường, không theo quy luật và ảnh hưởng của những sự kiện, những biến động bất thường trong môi trường quốc tế cũng có những ảnh hưởng lớn đến Việt Nam nói chung và công tác bảo đảm cung cấp điện nói riêng. Việc bảo đảm cung cấp điện cho đời sống sinh hoạt của nhân dân, các sự kiện văn hóa, chính trị quan trọng trong năm 2025 đã được lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Công thương quan tâm chỉ đạo từ sớm.
Ngay cuối năm 2024, căn cứ trên đề xuất của Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện quốc gia, ý kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành các quyết phê duyệt kế hoạch cung ứng điện năm 2025 và các tháng cao điểm mùa khô. Theo đó, dự báo phụ tải năm 2025 có thể tăng trưởng lên đến 12,2% cho cả năm, sản lượng cả năm dự kiến đạt 347,509 tỷ kWh, công suất cực đại toàn quốc đạt 54.510 MW.
![]() |
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2025 về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 23/1/2025 về việc bảo đảm cung cấp điện trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030.
Trong tháng 2, tháng 3, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã có các đoàn công tác làm việc tại đơn vị cung cấp nhiên liệu, đơn vị phát điện, điều độ, truyền tải, phân phối điện trong cả nước.
21/04/2025 14:58
"Hệ thống điện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ"
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương:
Bộ Công Thương cơ bản đánh giá việc cung cấp điện trong năm 2025 đã được các đơn vị chuẩn bị tương đối tốt. Tiếp nối kinh nghiệm đảm bảo điện của năm 2024, các cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân đã có sự chuẩn bị, tham gia tích cực vào công tác đảm bảo điện, công tác tiết kiệm điện và điều chỉnh nhu cầu phụ tải.
![]() |
Ông Nguyễn Thế Hữu - Phó Cục trưởng Cục Điện lực. |
Ví dụ rất rõ là tuy năm 2024 nhu cầu điện tăng gần 10%, nhưng công suất phụ tải cực đại chỉ tăng hơn 7%. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân, doanh nghiệp, cơ quan đã có ý thức tốt trong việc dịch chuyển các nhu cầu sử dụng điện chưa thật cần thiết ra khỏi những khung giờ phụ tải cao. Điều này cũng giảm áp lực cho việc cung cấp điện, tạo điều kiện cho hệ thống điện vận hành hiệu quả, kinh tế hơn.
Tuy nhiên, do nhu cầu phụ tải tiếp tục tăng cao, đồng thời tỷ lệ các nguồn điện năng lượng tái tạo cao, hệ thống điện vẫn tiềm ẩn những nguy cơ đối với cân bằng cung cầu điện, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam.
Để đảm bảo cung cấp điện năm 2025 cũng như giai đoạn 2026-2030, Bộ Công thương đã tích cực triển khai 7 giải pháp, gồm:
Xây dựng, trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật Điện lực sửa đổi năm 2024 vào ngày 30/11/2024, đồng thời tích cực xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản Nghị định, Thông tư hướng dẫn dưới Luật.
Triển khai xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Điều chỉnh tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.
![]() |
Bộ Công Thương đã tích cực triển khai 7 giải pháp cung cấp điện. |
Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các định hướng, cơ chế phát triển các nguồn điện như điện hạt nhân, các loại điện năng lượng tái tạo, ban hành các khung giá đối với các loại nguồn điện, tạo cơ chế thuận lợi cho đầu tư, phát triển các nguồn điện đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tích cực hợp tác trong xuất, nhập khẩu điện, nhất là những nguồn điện sạch có giá thành hợp lý.
Đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn điện, lưới điện, đặc biệt là những công trình điện có tầm quan trọng như các đường dây 500kV.
Tăng cường giám sát công tác lập kế hoạch, công tác chuẩn bị nhiên liệu, bảo dưỡng sửa chữa các thiết bị điện để đảm bảo độ khả dụng các nguồn điện.
Làm tốt công tác truyền thông về tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu phụ tải điện.
21/04/2025 15:18
"EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện"
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN:
Trong năm 2025, đơn vị đặt mục tiêu điện thương phẩm đạt 300,9 tỷ kWh, với phương án dự phòng lên tới 305,6 tỷ kWh nhằm đáp ứng kịch bản tăng trưởng cao. Công suất phụ tải cực đại toàn hệ thống dự kiến đạt 54.510 MW, tăng 11,35% so với năm 2024.
![]() |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN. |
Dù thời tiết đầu năm mát mẻ khiến phụ tải tăng chậm lại, sản lượng điện thương phẩm đạt 63,645 tỷ kWh, tăng khoảng 4,43%, cho thấy xu hướng phụ tải tiếp tục tăng cao trong mùa khô và mùa nắng nóng sắp tới. Trước tình hình đó, EVN đã chủ động xây dựng các kịch bản cung ứng điện phù hợp với mọi tình huống - kể cả khi nhu cầu điện tăng trưởng tới 12-13%, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong bối cảnh tăng trưởng GDP mục tiêu trên 8%.
Về các giải pháp sản xuất và cung ứng điện, EVN đang triển khai 10 dự án nguồn điện, với tổng công suất khoảng 8.800 MW, bao gồm cả dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Trong năm 2025, EVN tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Nhà máy thủy điện Quảng Trạch I, Đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Đường dây 500/220kV Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, Cấp điện cho huyện Côn Đảo.
Song song với các giải pháp kỹ thuật và đầu tư, EVN chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, đặc biệt trong mùa nắng nóng.
21/04/2025 15:48
Lý do sản lượng điện mua trong 2025 giảm
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam:
Sản lượng điện mua EVN tháng 4/2025 là 3.645,08 triệu kWh (đến ngày 14/4/2025), giảm 1,26% so với cùng kỳ (3.691,63 triệu kWh).
Nguyên nhân là nền nhiệt độ thời tiết của tháng 4 thấp hơn 1-2 độ C so với năm 2024, có mưa trái mùa trong tháng 4. Diễn biến thời tiết bất thường, dự báo mùa mưa năm 2025 đến sớm hơn mọi năm cũng làm ảnh hưởng đến điện nhận đầu nguồn cũng như thương phẩm của EVNSPC.
Ngoài ra, một số vùng nuôi trồng trọng điểm chậm hơn mọi năm (nuôi tôm, thanh long, xay xát lúa gạo…), nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi áp thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ (hàng dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, máy móc dụng cụ, giày dép, hàng thủy sản…).
![]() |
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam. |
Chỉ 2 công ty điện lực có tốc độ tăng trưởng cao là Bình Phước (+9,73%), Bà Rịa - Vũng Tàu (+7,88%), các đơn vị còn lại tăng trưởng âm như Bình Thuận (-3,78%), Bình Dương (-2,8%), Đồng Nai (-3,13%), Sóc Trăng (-7,51%)…
Lũy kế sản lượng điện mua từ EVN trong 4 tháng đầu năm 2025 là 25.034,30 triệu kWh, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2024 (24.665,08 triệu kWh).
Hiện nay đã vào mùa nắng nóng, nhưng nền nhiệt tháng 4/2025 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1-2 độ C, đồng thời năm nay mưa trái mùa xảy ra nhiều. Nhờ đó, tình hình vận hành lưới điện của EVNSPC được cải thiện, các công ty điện lực đã thực hiện các giải pháp như san chuyển tải, khai thác tải hiệu quả các công trình đầu tư xây dựng đưa vào vận hành, tăng cường tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải… nên tình hình vận hành đầy tải lưới điện 110kV tháng 4/2025 tương đồng và có giảm mức độ đầy tải so với tháng 3 vừa qua.
![]() |
Nhiều kịch bản cung ứng điện được đưa ra tại hội thảo. |
Để tiết kiệm điện, các công ty điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã xây dựng kế hoạch cung cấp điện năm 2025 theo từng tháng và cả năm để triển khai thực hiện. Xây dựng phương án cung cấp điện trong trường hợp mất cân đối cung cầu điện hệ thống điện miền Nam, hệ thống điện quốc gia thiếu nguồn điện. Giám sát chặt chẽ biểu đồ công suất phát từng tháng đối với các nhà máy thuỷ điện có công suất dưới 30MW…
Trong các tháng cuối năm, Tổng Công ty Điện lực miền Nam tiếp tục thực hiện chỉ đạo của EVN trong công tác cung cấp điện, tiết kiệm điện, quản lý nhu cầu điện, dịch chuyển phụ tải, khai thác tải sau khi đóng điện hoàn tất công trình lưới điện 110kV, đặc biệt ở khu vực đầy tải thường xuyên, theo dõi tình trạng vận hành đầy tải kéo dài (đường dây, máy biến áp 110kV) ở khu vực Bình Dương, Đồng Nai… để có các giải pháp giảm tải trong ngắn hạn, dài hạn.
21/04/2025 15:51
Điểm sáng của ngành điện
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC):
Trong 4 tháng đầu năm nay, sản lượng điện cung cấp cho địa bàn thành phố đạt 9.600 triệu kWh, tuy nhiên vẫn thấp hơn 1,43% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, công suất cực đại đã ghi nhận mức tăng nhẹ 0,39%, đạt 9.419 MW.
Đặc biệt, trong tháng 3 - thời điểm nắng nóng gay gắt - sản lượng điện tiêu thụ trung bình mỗi ngày đã tăng 16,32% so với tháng 2, đạt gần 87 triệu kWh/ngày. Riêng điện sinh hoạt trong tháng 4 đạt 42,64 triệu kWh, tăng hơn 20% so với tháng 3. Những ngày đầu tháng 4 và đầu tháng 5, nền nhiệt tại TPHCM dao động từ 35-37 độ C, khiến nhu cầu tiêu thụ điện liên tục leo thang, với mức trung bình lên đến 88,25 triệu kWh/ngày.
![]() |
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC. |
Dự kiến trong năm nay, sản lượng điện thương phẩm tại TPHCM đạt khoảng 32.150 triệu kWh - tăng hơn 12,4% so với năm 2024. Công suất cực đại hệ thống tại khu vực có thể chạm mốc hơn 5.000 MW, tăng khoảng 2,7% so với năm 2024. Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài, lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam và các sự kiện lớn trong năm, áp lực đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục đang đặt ra thách thức không nhỏ cho ngành điện.
Trước tình hình này, Điện lực TPHCM cho biết đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp kỹ thuật như kiểm tra toàn bộ lưới điện, bảo trì các trạm biến áp, đường dây trọng điểm để đảm bảo không xảy ra quá tải cục bộ. Đồng thời, các giải pháp chuyển tải, điều chỉnh phụ tải và tiết kiệm điện cũng đang được đẩy mạnh thực hiện.
Một điểm sáng đáng ghi nhận là độ tin cậy cung cấp điện tại TPHCM đang được duy trì ở mức cao. Trong 4 tháng đầu năm, số lần mất điện trung bình của mỗi khách hàng chỉ 0,08 lần và thời gian mất điện chưa tới 7 phút.
EVNHCMC đã phối hợp với các sở ngành và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các cơ quan, doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm tải hệ thống điện vào giờ cao điểm.
![]() |
Hội thảo thu hút sự quan tâm khi mùa nắng nóng khiến tiêu thụ điện tăng cao. |
Hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái Đất và các hoạt động sử dụng năng lượng xanh, Tổng công ty Điện lực TPHCM đang tích cực vận động các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống lưu trữ điện, qua đó dịch chuyển phụ tải sang các giờ thấp điểm. Đây được xem là hướng đi quan trọng nhằm tối ưu hóa biểu đồ phụ tải, giảm áp lực cho hệ thống trong những thời điểm nắng nóng khốc liệt hoặc mất cân đối cung cầu điện.
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và yêu cầu giảm phát thải đang trở thành xu hướng toàn cầu, những giải pháp vừa nêu không chỉ đảm bảo điện cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ sở quan trọng để Việt Nam từng bước chuyển sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
21/04/2025 16:15
Ngành điện ứng phó thế nào với tình huống cực đoan xảy ra?
Nhà báo Phùng Công Suởng: Ngành điện ứng phó thế nào với tình huống cực đoan xảy ra? Chúng tôi không chỉ muốn nghe những báo cáo theo văn bản, mà mong muốn là các câu chuyện đi ra từ thực tiễn - từ các chuyên gia, nhà báo và cả các đơn vị đang là khách hàng của ngành điện. Chúng ta đã thấy một bức tranh tổng thể về cung ứng điện năm 2025, nhưng nếu có các tình huống cực đoan xảy ra thì ngành điện sẽ ứng phó thế nào? Việc chuẩn bị nguồn, hạ tầng truyền tải, điều tiết công suất đang được tính toán ra sao?
![]() |
Nhà báo Phùng Công Suởng đặt câu hỏi với ngành điện về việc ứng phó khi có tình huống cực đoan xảy ra. |
Ông Lê Đặng Xuân Tân - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Nam (SSO) trả lời vấn đề ban tổ chức nêu ra:
Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam đang chủ động nhiều giải pháp để đảm bảo điện mùa khô, đặc biệt trong các tháng cao điểm, gồm:
Chiến lược điều độ vận hành hệ thống điện hiện nay là vận hành tối ưu và linh hoạt. Thứ nhất là các nguồn thủy điện vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng phải đảm bảo sử dụng nước một cách tiết kiệm, không để mực nước giảm quá mức cho phép. Thứ hai, việc điều tiết nước hợp lý sẽ đảm bảo đủ điện cho hiện tại mà vẫn duy trì khả năng phát trong những tháng tiếp theo.
![]() |
Ông Lê Đặng Xuân Tân - Phó Giám đốc Trung tâm SSO. |
Thủy điện và nhiệt điện: Phối hợp “cân não” giữa bảo toàn và khai thác công suất. Với tỷ lệ quy mô thủy điện và nhiệt điện gần tương đương, các kịch bản vận hành đang được EVN và A2 tính toán chặt chẽ để tránh quá tải hệ thống và tối ưu chi phí.
Phòng ngừa tình huống cực đoan: Nắng nóng kéo dài hoặc sự cố máy biến áp lớn. Trong trường hợp công suất cực đại tăng vọt, trung tâm sẽ kích hoạt các biện pháp điều chỉnh phụ tải, bao gồm chuyển tải phụ tải sang khu vực ít căng thẳng hơn, thực hiện các cảnh báo sớm và thông báo khẩn cấp đến các đơn vị điện lực và khách hàng lớn, vận động tiết giảm phụ tải tại các khu vực có khả năng cắt giảm linh hoạt.
![]() |
Ông Lê Đặng Xuân Tân nhấn mạnh về "chìa khóa giảm áp lực" là tối ưu hóa vận hành hệ thống. |
Tối ưu hóa vận hành hệ thống - “chìa khóa giảm áp lực”. Việc điều tiết phụ tải hợp lý sẽ giảm quá tải thiết bị, đồng thời tăng hiệu quả kinh tế của hệ thống. EVN đang phân bố lại công suất theo vùng, chia đều tải, tránh dồn vào các nút thắt truyền tải truyền thống.
Nếu chúng ta làm tốt việc điều chỉnh phụ tải, giảm áp lực cục bộ và vận hành hệ thống hiệu quả, thì không phải đối mặt với các biện pháp cực đoan như cắt điện luân phiên.
21/04/2025 16:21
Miền Nam là đầu tàu kinh tế, sử dụng 34% điện cả nước
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Việc chuẩn bị nguồn và hạ tầng truyền tải cũng như điều tiết các nguồn điện để đảm bảo cung ứng đủ điện trong cao điểm nắng nóng, nhất là khu vực miền Nam được chuẩn bị, tính toán thế nào?
![]() |
Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt câu hỏi thảo luận về việc đảm bảo cung ứng điện. |
Ông Lê Đặng Xuân Tân - Phó Giám đốc Trung tâm SSO:
Để đảm bảo điện cung ứng mùa khô, đơn vị đã họp với EVN để đưa ra phương án đảm bảo nhiên liệu phát các tổ máy, huy động tối ưu các nguồn lực. Hiện, than là nguồn chủ lực - chiếm 50%.
Việc cần làm là phải tiết kiệm nước, đảm bảo mức nước không bị tụt quá mức, đủ cung ứng điện mùa khô. Tuy nhiên, nếu thời tiết cực đoan thì phải có những giải pháp điều hòa phụ tải, phân bổ công suất tiêu thụ, điều chỉnh phụ tải.
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN:
Khu vực miền Nam năm nay có đặc thù là nền nhiệt thấp hơn rất nhiều so với mọi năm, nên nhu cầu điện sinh hoạt tăng trưởng âm, thấp hơn so với kế hoạch. Tuy nhiên, miền Nam là đầu tàu kinh tế, sử dụng điện chiếm 34% của cả nước. Nếu nắng nóng kéo dài đến hết tháng 5-6, nhu cầu điện sinh hoạt sẽ tăng cao.
![]() |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN. |
Năm nay, các tỉnh phía Nam tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, miền Nam có lợi thế là vùng cung cấp điện dư dả hơn so với miền Bắc, miền Trung. EVN cũng đã chủ động về nhiên liệu cho nhiệt điện.
Năm 2025, EVN khẩn trương hoàn thành các công trình đâu tư xây dựng để đưa các nguồn điện đến với người dân. Từ nay đến 30/4 sẽ hoàn thành việc đóng điện 50 công trình để vận hành hệ thống lưới điện.
Thời gian qua, EVN cùng với các bộ ngành đi thăm một số bộ, ngành ở khu vực phía Nam và nhận thấy các doanh nghiệp có nhiều giải pháp tiết kiệm điện rất khoa học, hiệu quả. Về điện sinh hoạt, người dân, trường học cũng có nhiều giải pháp tiết kiệm điện. Khu vực miền Nam sẵn sàng tiết kiệm 1.500MW nếu có kế hoạch quản trị tốt, sẽ tiết kiệm được 1-2 tỷ USD khi phải đầu tư thêm một nhà máy mới.
21/04/2025 16:46
Tiết kiệm điện rất quan trọng
Nhà báo Phùng Công Sưởng: Giải pháp điều chỉnh phụ tải và ngành điện đánh giá về sự chung tay của các doanh nghiệp?
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn EVN:
Công tác quản lý phụ tải, dự báo phụ tải, tiết kiệm điện là rất quan trọng và đã được triển khai nhiều năm nay. Năm 2024, hệ thống điện có khả năng mất cân đối về phụ tải và việc thực hiện dịch chuyển phụ tải trong thời gian này được triển khai mạnh mẽ, rộng rãi.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn EVN. |
Cuối năm 2024, tập đoàn xây dựng nhiều chương trình, làm việc với các khách hàng trọng điểm, tiêu thụ điện lớn tham gia chương trình dịch chuyển phụ tải này. Khi làm việc khách hàng thì mục tiêu cao nhất của chúng tôi là làm thế nào để cung ứng đủ điện cho khách hàng trong bất kể điều kiện nào. Mức tiêu thụ điện cao điểm nắng nóng có khi cao gấp 3 lần so với mức phụ tải, dẫn đến những sự cố về điện.
Tôi đánh giá việc dịch chuyển phụ tải đã giúp doanh nghiệp sử dụng điện vào khung giá điện thấp, giảm chi phí sản xuất. Chẳng hạn, các công ty sắt, thép sản xuất phôi vào tháng 2, 3, đây là mức phụ tải thấp điểm, mức cao điểm thì họ chuyển sang các công đoạn khác.
21/04/2025 16:48
“Hoạt động vào giờ thấp điểm, tiền điện sẽ giảm nhưng chi phí lao động lại tăng lên”
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM:
Tương tự Tổng Công ty điện lực Miền Nam, giờ cao điểm của các khách hàng thuộc Điện lực TPHCM đang là 14-15h, hoặc 19h, tùy vào từng mùa.
![]() |
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực TPHCM. |
Phía Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã phân ra từng giai đoạn để làm việc với khách hàng. Trước đây, giờ cao điểm chênh với giờ thấp điểm gần 3 lần. Nhưng hiện nay, nhờ vào các giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện, ngày thấp chiếm 63% ngày cao điểm. Đơn vị tiếp tục thay đổi công nghệ, phân tách hệ thống điện để chuyển vào giờ thấp điểm.
Khi làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh, các đơn vị bày tỏ khi hoạt động vào giờ thấp điểm, tiền điện sẽ giảm nhưng thay vào đó chi phí lao động tăng lên, nên các doanh nghiệp phải phân tích, đánh giá để đưa ra phương án tối ưu nhất. Trước đây là phi thương mại, bây giờ đưa vào giá thành nên doanh nghiệp cũng có điều chỉnh.
21/04/2025 16:51
“Giải pháp tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn ngành điện”
Nhà báo Phùng Công Sưởng đặt câu hỏi chuyên sâu với ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam - xoay quanh giải pháp dịch chuyển phụ tải điện, một chiến lược then chốt giúp giảm áp lực lên hệ thống điện, đặc biệt tại miền Nam trong các giờ cao điểm.
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam:
Thống kê hệ thống điện quốc gia cho thấy chỉ khoảng 2% số giờ trong năm là rơi vào đỉnh cao điểm, nhưng để đáp ứng nhu cầu trong những thời điểm ngắn ngủi này, ngành điện lại phải đầu tư rất lớn vào hạ tầng và nguồn lực. Điều này dẫn đến sự lãng phí tài nguyên và chi phí vận hành.
![]() |
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam - trả lời các câu hỏi tại hội thảo. |
Dịch chuyển phụ tải - tức là điều chỉnh thời điểm sử dụng điện của các khách hàng lớn - giúp tránh áp lực vào giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí cho cả doanh nghiệp lẫn ngành điện, đồng thời góp phần phát triển bền vững.
Tại miền Nam, nơi có mức tiêu thụ điện lớn và sự phát triển nhanh của điện mặt trời mái nhà, khung giờ cao điểm thường rơi vào 14h-16h. Trong năm 2023, ngành điện miền Nam đã dịch chuyển thành công hơn 800 MW công suất ra khỏi giờ cao điểm - một con số ấn tượng cho thấy tiềm năng thực hiện giải pháp này.
Dù mang lại nhiều lợi ích, ngành điện vẫn còn nhiều thách thức. Đặc thù sản xuất của từng doanh nghiệp khiến việc thay đổi thời gian vận hành không hề dễ dàng. Nhiều dây chuyền công nghệ không cho phép dừng giữa chừng hoặc thay đổi lịch hoạt động. Yếu tố sinh hoạt như giờ ăn, giờ học của người lao động cũng ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh. Tiềm năng dịch chuyển dễ khai thác thì đã khai thác rồi, nên những năm tới sẽ cần thêm giải pháp kỹ thuật và sự đồng hành từ doanh nghiệp.
![]() |
Ngành điện phát thông tin tổng quan về tình hình sử dụng điện năm 2024 tại hội thảo. |
Việc dịch chuyển phụ tải không thể áp đặt mà phải được thực hiện thông qua quá trình thỏa thuận chi tiết với từng khách hàng, dựa trên biểu đồ phụ tải 24 giờ của doanh nghiệp, đặc điểm ngành nghề, công nghệ sản xuất và thỏa thuận sẽ được ghi vào phụ lục hợp đồng mua bán điện, đảm bảo tính pháp lý, minh bạch.
21/04/2025 16:56
Giải pháp “dịch chuyển phụ tải”
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam:
Ngành điện cũng lắp đặt công tơ đo xa cho các khách hàng tham gia để theo dõi mức tiêu thụ điện theo thời gian thực, từ đó có cơ sở đối chiếu với cam kết và chủ động điều chỉnh khi cần thiết.
![]() |
Ông Bùi Quốc Hoan - Phó Tổng Giám đốc điện lực miền Nam. |
Để duy trì và mở rộng hiệu quả của giải pháp này, các doanh nghiệp cần ứng dụng chuyển đổi số và IoT trong dây chuyền sản xuất. Việc này giúp giám sát chi tiết mức tiêu thụ điện, từng thiết bị, từng thời điểm. Tự động điều chỉnh lịch vận hành, tránh giờ cao điểm. Tối ưu hóa chi phí năng lượng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.
Ngành điện đang hướng tới mục tiêu dịch chuyển 5-10% phụ tải tại miền Nam ra khỏi khung giờ cao điểm, tương đương khoảng 430 MW cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, để đạt được, cần sự chung tay từ doanh nghiệp, cơ quan quản lý và cả người dân, trong việc xây dựng thói quen sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm và bền vững.
Nội dung thảo luận trên cho thấy nỗ lực của ngành điện trong đảm bảo an ninh năng lượng và khẳng định giải pháp “dịch chuyển phụ tải” không chỉ là kỹ thuật, mà còn là sự đồng hành giữa nhiều phía - vì lợi ích chung.
21/04/2025 16:59
Tiết kiệm điện khung giờ 14h-16h?
Ông Nguyễn Phan Như Quang - Giám đốc điều hành nhà máy Thành Châu, PPJ Group:
Ở góc độ doanh nghiệp, nhà máy sản xuất hàng cho thị trường Mỹ, châu Âu nên đầu tư nhiều chương trình, công nghệ giảm thiểu tác động môi trường, trong đó có năng lượng.
![]() |
Ông Nguyễn Phan Như Quang. |
Về năng lượng, nhà máy Thành Châu có trang bị hệ thống kiểm soát tiêu thụ năng lượng, quy trình sản xuất. Qua đó, nhà máy biết được cái gì cần tối ưu, chỗ nào tiết kiệm năng lượng. Công ty cũng đầu tư các thiết bị công nghệ mới, rút ngắn sản xuất từ 8 giờ xuống còn 4 giờ. Nhà máy Thành Châu cũng thực hiện quy trình đầu tư hệ thống điện mặt trời từ tháng 8/2024, sắp tới sẽ khởi công.
Trong quá trình sản xuất, nhà máy Thành Châu có trang bị hệ thấy sấy, làm mát cho xung quanh, giúp giảm 70% năng lượng. Nhà máy cũng có chương trình dịch chuyển, phối hợp với Công ty Điện lực Long An giảm phụ tải.
Thực hiện tiết kiệm điện sẽ đóng góp cho lợi ích và thương hiệu công ty, giảm chi phí. Nếu trang bị hệ thống năng lượng mặt trời, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi của công nhân thì phụ tải không thành vấn đề. Tuy nhiên, từ 14h-16h là lúc lao động tập trung làm việc nên cũng cần có giải pháp.
21/04/2025 17:12
Giải pháp mới: Nhập khẩu LNG
- Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm và nhu cầu tiêu thụ điện sinh hoạt sụt giảm, miền Nam lại chứng kiến sự gia tăng đáng kể của nhu cầu điện trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt tại các tỉnh như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, tình hình cung ứng điện, thách thức và cơ hội đối với ngành điện?
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN:
Trong những tháng đầu năm, nền tiêu thụ điện tại miền Nam đạt mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, điện sinh hoạt thậm chí tăng trưởng âm trong ba tháng liên tiếp. Đây được xem là điều kiện thuận lợi để giảm áp lực lên hệ thống điện, đồng thời tạo nền thấp cho tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng cao điểm tới.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khu vực công nghiệp - động lực kinh tế chủ đạo của miền Nam - lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Long An tăng tới 48%, các tỉnh khác đạt trên 5%. Sự phục hồi sản xuất cộng hưởng cùng thời tiết nắng nóng kéo dài và chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước sẽ là những yếu tố làm tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ điện trong các tháng tới.
![]() |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn EVN. |
Một trong những nội dung trọng tâm là kế hoạch đầu tư lưới điện năm 2025. Theo báo cáo từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam, khu vực này đang gấp rút triển khai hơn 50 công trình lưới điện 110 kV, dự kiến hoàn tất trước ngày 30/4. Đây là nỗ lực nhằm tăng cường năng lực truyền tải, phục vụ tốt hơn nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất, nhất là tại TPHCM và các vùng phụ cận.
Ngoài ra, việc đầu tư đồng bộ vào lưới điện trung và cao thế (35-22 kV) cũng là mục tiêu trọng tâm để nâng cao tính ổn định, giảm thiểu sự cố và nâng cao khả năng đáp ứng khi phụ tải tăng đột biến.
Miền Nam đang đối mặt với loạt áp lực đáng kể, từ sự phục hồi kinh tế - công nghiệp, biến đổi khí hậu kéo dài, đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao do các sự kiện lớn, ngoài ra, khó khăn cục bộ về nguồn cung khí đốt ở Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, EVN khẳng định đã có phương án ứng phó bằng cách nhập khẩu LNG, với các chuyến tàu đầu tiên đã cập cảng thành công.
![]() |
"Theo tính toán, nếu miền Nam có thể dịch chuyển hiệu quả khoảng 500 MW phụ tải từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, sẽ tương đương với việc tránh đầu tư một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, tiết kiệm hàng tỷ USD" - ông Võ Quang Lâm - chia sẻ. |
Tâm lý lo ngại về khả năng cắt điện luân phiên trong mùa hè cao điểm vẫn tồn tại trong cộng đồng, dù ngành điện cho biết đã có giải pháp quản lý phụ tải và điều tiết nguồn hiệu quả. Trong năm 2024, miền Nam ghi nhận mức tăng trưởng điện hơn 1.200 MW, một con số cho thấy áp lực tiếp tục dồn lên hệ thống.
Để giảm tải cho hệ thống điện, vai trò của dịch chuyển phụ tải (load shifting) rất quan trọng. Theo tính toán, nếu miền Nam có thể dịch chuyển hiệu quả khoảng 500 MW phụ tải từ giờ cao điểm sang giờ thấp điểm, sẽ tương đương với việc tránh đầu tư một nhà máy nhiệt điện công suất lớn, tiết kiệm hàng tỷ USD.
21/04/2025 17:24
Khó khăn dịch chuyển phụ tải là gì?
Tiến sĩ Nguyễn Công Tráng - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng:
Mùa nắng nóng năm nay là thách thức cho các doanh nghiệp và nhiều gia đình. Giải pháp điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải vừa có lợi cho doanh nghiệp lẫn ngành điện.
Cụ thể, giảm chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều khi chuyển qua giờ thấp điểm, độ tin cậy cung cấp điện, số lần cắt điện, mất điện đối với doanh nghiệp ít lại do hệ thống điện ổn định. Phía ngành điện sẽ giảm được áp lực trên hệ thống điện, giảm quá tải trên đường dây điện, giảm chi phí vận hành, chi phí đầu tư nguồn cung cấp điện.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Công Tráng - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng. |
Về khó khăn, ngành điện chưa có chính sách tài chính nào có lợi để hỗ trợ cho doanh nghiệp, chỉ mang tính khuyến kích, vận động nên gặp khó khăn thương lượng với doanh nghiệp.
Nguồn năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) đang biến động rất nhiều ở doanh nghiệp và tự doanh nghiệp lắp. Do đó, dự báo phụ tải, dịch chuyển phụ tải đối với nguồn điện này cũng gặp nhiều khó khăn
Quản lý năng lượng ở các doanh nghiệp còn gặp khó khăn do hệ thống điện đa phần truyền thống, thủ công, giám sát và điều khiển năng lượng ở doanh nghiệp chưa cao. Muốn tiết kiệm được năng lượng phải áp dụng công nghệ tự động hóa thông minh nhưng mức đầu tư khá lớn, nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được.
Khi điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải cần tích trữ năng lượng và công nghệ tích trữ năng lượng đã được các nước trên thế giới áp dụng rộng rãi. Việt Nam cũng nên bắt tay vào việc phát triển công nghệ tích trữ năng lượng.
![]() |
Rất đông đại biểu tham dự hội thảo. |
Công tác truyền thông cho doanh nghiệp, liên quan giải pháp điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải sao cho phù hợp còn nhiều hạn chế, các cán bộ kỹ thuật doanh nghiệp chưa nắm rõ. Ngoài ra, khả năng điều chỉnh phụ tải hiện đạt khoảng 1.500 MW - bao gồm 854 MW từ các tỉnh, 88 MW từ TPHCM và khoảng 1.000 MW có thể huy động thêm. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo khả năng phản ứng linh hoạt của hệ thống trong bối cảnh rủi ro từ thời tiết và sự cố kỹ thuật có thể phát sinh bất kỳ lúc nào.
21/04/2025 17:45
5 "rào cản" điều chỉnh phụ tải tại Việt Nam
- Tại phiên thảo luận về điều chỉnh phụ tải điện trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều thách thức then chốt, đồng thời đề xuất những hướng tiếp cận nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng trong bối cảnh nhu cầu điện ngày càng tăng cao.
Tiến sĩ Nguyễn Công Tráng - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng:
5 thách thức chính đang cản trở quá trình chuyển dịch và điều chỉnh phụ tải tại Việt Nam:
Đầu tiên là thiếu cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp - hiện tại, các chính sách chủ yếu dừng ở mức khuyến khích, trong khi chưa có hệ thống tài chính hỗ trợ hoặc ưu đãi đầu tư cụ thể.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Công Tráng - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng. |
Thứ hai, chi phí đổi mới công nghệ cao đang là rào cản lớn, đặc biệt với những doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất cũ kỹ.
Thứ ba, bài toán tích trữ năng lượng - một yếu tố quan trọng để quản lý nhu cầu điện linh hoạt - vẫn đang gặp nhiều khó khăn về công nghệ và chi phí.
Thứ tư, khả năng dự báo và điều khiển phụ tải còn hạn chế, đòi hỏi đầu tư vào các hệ thống quản lý thông minh.
Cuối cùng, việc thiếu các hệ thống giám sát tiêu thụ điện ở cấp doanh nghiệp cũng làm giảm hiệu quả trong quá trình điều chỉnh phụ tải.
Ông Nguyên Thế Hữu - Phó cục trưởng Cục điện lực, Bộ Công Thương:
Bộ Công thương đang từng bước xây dựng khung pháp lý để thúc đẩy việc điều chỉnh phụ tải.
![]() |
Nhiều đại biểu trao đổi ý kiến, đề xuất giải pháp tại hội thảo. |
Cụ thể, Bộ đã yêu cầu các đơn vị điện lực rà soát các cụm tải lớn vào giờ cao điểm, từ đó làm việc trực tiếp với khách hàng để xây dựng giải pháp điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có chính sách tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình này, do cần sự phối hợp liên ngành giữa Bộ Tài chính, EVN và các đơn vị liên quan.
Thảo luận cũng ghi nhận các tiềm năng công nghệ có thể hỗ trợ quá trình điều chỉnh phụ tải. Hệ thống quản lý năng lượng thông minh và các giải pháp lưu trữ năng lượng phân tán - như pin tại hộ gia đình hoặc tòa nhà - là những hướng đi đang được nghiên cứu.
21/04/2025 17:51
Sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN:
15 năm vừa qua chúng ta thực hiện theo Luật số 50/2010/QH12 của Quốc hội về Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Luật này quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
![]() |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN. |
Thực hiện luật này, EVN hỗ trợ mỗi người dân một triệu đồng để lắp bình nước nóng trên mái nhà, giúp người dân quen với việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Tiếp đó, hỗ trợ người dân sử dụng đèn chiếu cho hoa cúc, hoa hồng vào ban đêm để cho hoa ra đúng vào ngày rằm, mùng một.
Ở Bình Thuận và Long An, người dân cũng sử dụng bóng đèn led để chiếu cho cây thanh long, giúp hoa nở đúng thời gian, trái chín đúng ngày. Với các hộ dân nuôi tôm, EVN có giải pháp thay thế trụ đỡ của con lăn tiết kiệm 7-8% năng lượng.
Hiện nay, Quốc hội đã giao cho Bộ Công Thương và EVN sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trình Quốc hội vào phiên khai mạc ngày 5/5. Dự kiến, trong kỳ họp tới, Quốc hội sửa đổi 29 luật thì có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
![]() |
Tại hội thảo, lãnh đạo EVN thông tin về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ được trình Quốc hội vào tháng 5. |
Trong Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi sẽ có 2 điểm mới. Thứ nhất là từ khuyến khích thì sẽ bắt buộc doanh nghiệp sử dụng điện hiệu quả ở các doanh nghiệp trọng điểm. Hiện, cả nước có 5.000 doanh nghiệp trọng điểm sử dụng 34% công suất điện cả nước. Nếu 5.000 doanh nghiệp trọng điểm tiết giảm được 1% thì tiết được điện rất lớn.
Thứ hai là có cơ chế về tài chính, có thưởng, có phạt và có hỗ trợ. Nếu đơn vị, cá nhân sử dụng điện không thực hiện tiết kiệm điện sẽ bị phạt, còn tiết kệm điệm hiệu quả thì sẽ được thưởng.
Dự kiến sau khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp khai mạc vào ngày 5/5, Chính phủ sẽ có Nghị định hướng dẫn. Dự kiến vào tháng 8 năm nay, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sửa đổi sẽ đi vào thực tế.
21/04/2025 17:55
“Nỗi lo ngại của doanh nghiệp”
- Thảo luận về tình hình triển khai dịch chuyển phụ tải điện tại hai tỉnh công nghiệp trọng điểm Đồng Nai và Bình Dương là nội dung thu hút sự quan tâm lớn từ các đại biểu và doanh nghiệp tham dự. Hai địa phương đã có những kết quả nổi bật, đồng thời nêu rõ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong quá trình thực hiện.
Đồng Nai - trên 96% doanh nghiệp đã ký cam kết, vẫn còn nỗi lo từ thực tế sản xuất.
Theo báo cáo từ đại diện ngành điện Đồng Nai, tính đến nay, 1147/1171 doanh nghiệp, tức hơn 96%, thuộc diện cần điều chỉnh phụ tải đã ký cam kết tham gia chương trình. Đây được xem là con số rất ấn tượng, thể hiện sự chủ động của tỉnh trong việc thực hiện các giải pháp cấp thiết nhằm giảm tải cho hệ thống điện trong các khung giờ cao điểm.
Tuy vậy, phần thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến từ phía doanh nghiệp. Hai mối quan tâm lớn nhất được nêu ra là chi phí hỗ trợ khi tham gia chương trình và khả năng đảm bảo cung cấp điện liên tục phục vụ hoạt động sản xuất. Đại diện nhiều doanh nghiệp lo ngại nếu phải dịch chuyển phụ tải khỏi khung giờ quen thuộc, việc gián đoạn sản xuất hoặc tăng chi phí vận hành là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp cũng nêu rõ đặc thù sản xuất bắt buộc phải vận hành vào giờ cao điểm, khiến họ chưa thể tham gia ngay dù sẵn sàng đồng hành. Trước những băn khoăn này, phía ngành điện Đồng Nai đã cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ kỹ thuật và truyền thông để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về giải pháp điều chỉnh phụ tải linh hoạt, đặc biệt tại các khối văn phòng và khu vực phụ trợ.
![]() |
Những thảo luận sôi nổi diễn ra không ngừng. |
Bình Dương - 100% khách hàng lớn đã ký thỏa thuận, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ.
Không kém phần nổi bật, Công ty Điện lực Bình Dương cho biết đã hoàn tất 1.786 thỏa thuận điều chỉnh phụ tải, đạt 100% với các khách hàng lớn trên địa bàn. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự phối hợp hiệu quả giữa ngành điện, chính quyền và doanh nghiệp tại địa phương có tốc độ công nghiệp hóa cao bậc nhất cả nước.
Ngoài dịch chuyển phụ tải, Bình Dương cũng đang đẩy mạnh hai nhóm giải pháp quan trọng. Thứ nhất là tuyên truyền tiết kiệm điện, phối hợp với Sở Công thương để xây dựng kế hoạch cung cấp điện mùa khô năm 2025. Nội dung này không chỉ áp dụng với doanh nghiệp mà còn mở rộng tới hộ gia đình, cơ quan hành chính và các sở, ban, ngành.
Thứ hai là thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà. Theo đại diện Công ty Điện lực Bình Dương, hiện địa phương ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số lượng hệ thống điện mặt trời, góp phần bổ sung nguồn tại chỗ, giảm áp lực lên lưới điện quốc gia trong mùa nắng nóng.
Cả hai địa phương cùng thống nhất quan điểm sự đồng thuận của doanh nghiệp chính là yếu tố quyết định thành công của chương trình dịch chuyển phụ tải. Trong bối cảnh nguồn cung điện còn đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt vào mùa khô, các giải pháp linh hoạt như điều chỉnh phụ tải, tiết kiệm điện và phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ là trụ cột quan trọng giúp đảm bảo cung cấp điện ổn định và bền vững cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.
21/04/2025 17:58
“Doanh nghiệp lo ngại thiệt hại lớn khi cúp điện đột ngột”
Ông Nguyễn Hải Chi - quản lý hệ thống điện của một doanh nghiệp tại Đồng Nai:
Công ty đã hoạt động hơn 20 năm và luôn chủ động tham gia các chương trình tiết kiệm điện, dự báo phụ tải do Điện lực Trị An và Điện lực Đồng Nai triển khai. Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra khiến toàn bộ hệ thống dây chuyền bị gián đoạn, dẫn đến thiệt hại lớn vì hàng hóa bị hư hỏng.
![]() |
Ông Nguyễn Hải Chi. |
Việc tham gia các chương trình như chuyển dịch và điều chỉnh phụ tải (DR) dù mang lại lợi ích lâu dài, nhưng thực tế lại phát sinh chi phí. Dù vậy, chi phí vẫn ít hơn thiệt hại mỗi khi cắt giảm điện đột ngột. Nếu được thông báo trước ít nhất 24 giờ, công ty có thể chủ động tách phụ tải, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình sản xuất.
Doanh nghiệp đang tham gia dịch chuyển phụ tải khoảng 2.200 kW. Ngoài ra, hàng tháng, công ty cũng phối hợp với Điện lực Trị An và Điện lực Đồng Nai dự báo nhu cầu sử dụng điện để ngành điện có kế hoạch cung cấp ổn định hơn. Trong ba tháng đầu năm 2025, số liệu dự báo và thực tế tiêu thụ điện tại doanh nghiệp gần như trùng khớp, góp phần đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống.
Ông Nguyễn Văn Hảo - Giám sát hệ thống điện nhà máy, Công ty TNHH ILD Coffee Việt Nam:
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cà phê sấy lạnh, máy chạy công suất tối đa 24/24h. Do đó, công ty sử dụng lượng điện gần như cao nhất tỉnh Bình Dương.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Hảo. |
Công ty tìm giải pháp tiết kiệm điện từ 2-6 giờ trong một ngày. Tuy nhiên, khi giảm việc sử dụng điện thì thâm hụt sản lượng đầu ra. Do đó, công ty có giải pháp giảm thiểu điện trên khối văn phòng, sau đó mới đến khối sản xuất.
21/04/2025 18:08
Tại sao chỉ tiết kiệm điện theo Giờ Trái Đất?
- Bạn Hoàng Thuận - sinh viên Cao Đẳng điện lực: Tại sao không thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhiều giờ trong năm mà chỉ tiết kiệm theo Giờ Trái Đất hoặc các chương trình ngắn hạn?
![]() |
Sinh viên Cao Đẳng điện lực đặt câu hỏi tại hội thảo. |
- Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Truyền thông, Tập đoàn EVN:
Quan trọng nhất của Giờ Trái Đất hay các chương trình kêu gọi tiết kiệm điện là kêu gọi mọi người cùng chung tay tiết kiệm điện bằng những hành động nhỏ như tắt điện, tăng nhiệt độ điều hòa để nâng cao ý thức về tiết kiệm điện. Đây là các chương trình hành động để tuyên truyền cộng đồng nâng cao ý thức.
- Bạn Nguyễn Triệu Vy - sinh viên Cao đẳng điện lực: Phụ tải của những doanh nghiệp lớn, vậy phụ tải với hộ gia đình xử lý thế nào?
![]() |
Nữ sinh viên có mặt tại hội thảo bày tỏ sự quan tâm tới vấn đề phụ tải. |
- Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam:
Làm sao để giảm được phụ tải trong hộ gia đình, thường cao điểm sử dụng điện vào buổi tối. Làm sao tiết kiệm điện, giảm phụ tải. Trước đây là hỗ trợ lắp bình nước nóng. Gia đình đã có bình nước nóng không nên sử dụng bình nước nóng trực tiếp để giảm công suất sử dụng điện vào giờ cao điểm.
![]() |
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty Điện lực miền Nam. |
Hiện nay, công nghệ lưu trữ điện đã phổ biến, nếu lắp bình lưu trữ có công suất phổ biến thì có thể trôi qua được giờ cao điểm, hỗ trợ giảm tải cho lưới điện. Mỗi gia đình có nhiều phòng có thể gom lại một phòng trong mùa nóng để giảm công suất sử dụng điện vừa vui, vừa tiết kiệm khi giảm được máy lạnh, tivi của các phòng khác. Hành động nhỏ sẽ mang lại hiệu quả lớn.
- Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc EVN:
Sử dụng điện là thực tiễn, nhu cầu tất yếu nhưng làm sao tiết kiệm nhiều hơn. Thứ nhất là sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, có công nghệ mới. Thứ hai là thay đổi hành vi. Ví dụ vào buổi tối, chúng ta nấu cơm thì dời việc giặt đồ vào thời điểm khác, sử dụng máy lạnh ở nhiệt độ cao hơn.
21/04/2025 18:15
Bức tranh điện lực nhiều gam màu sáng
Nhà báo Phùng Công Sưởng:
Điện lực như dòng máu trong mỗi con người chúng ta. Đối với TPHCM, rất may thời điểm nắng nóng đã qua, còn ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, thời gian này là những ngày đầu tiên vào thời điểm nắng nóng.
![]() |
Thông qua 5 phần tham luận, các đại biểu tham dự hội thảo đã vẽ nên một bức tranh khá sinh động về ngành điện. |
Trong hội thảo hôm nay, thông qua 5 phần tham luận, các đại biểu đã vẽ nên một bức tranh khá sinh động về ngành điện, trong đó có nhiều gam màu sáng, đặc biệt là vấn đề cung ứng điện ở các tỉnh phía Nam.
Trong phần thảo luận, chúng ta đã đưa ra các ý kiến thảo luận sôi nổi, những câu hỏi tích cực của sinh viên Cao đẳng Điện lực, những giải pháp thiết thực cùng chung tay tiết kiệm điện.
Các giải pháp về công nghệ, dự báo, điều chỉnh phụ tải, thay đổi dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng công nghiệp kiểm soát năng lượng là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Những giải pháp thiết thực mà các doanh nghiệp đưa ra trong hội thảo có thể để các doanh nghiệp khác thể học hỏi.
Thời gian gần đây từ cắt điện, luân phiên cục bộ - nỗi ám ảnh của người dân, doanh nghiệp - đã không còn nhiều nữa. Tín hiệu rất vui là sắp xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Từ đó cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành điện.