Ngày 14-11, Tuổi Trẻ Online phản ánh sự việc hàng
Nhiều phần thân cây đã có dấu hiệu bị thối mục vì lồng sắt chà siết - Ảnh: PHẠM TUẤN
Cắt bỏ phần lồng sắt khiến cây sưa đỏ tổn thương
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 15-11, một lãnh đạo phòng kế hoạch tổng hợp Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết sau khi nhận được phản ánh, trong sáng cùng ngày đơn vị đã đến kiểm tra trực tiếp hiện trạng từng cây sưa trên đường Nguyễn Văn Huyên.
"Hiện hàng cây này đang có 32 lồng sắt bao quanh gốc cây sưa, giáng hương và thân cây để chống trộm. Qua thông tin phản ánh từ báo Tuổi Trẻ, công ty đã phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng để kiểm tra các cây sưa như hiện tượng báo nêu.
Qua kiểm tra, hai đơn vị đã có biên bản làm việc để ghi nhận hiện các cây sưa có một số cành khô, một số vị trí có hiện tượng cây phát triển thì cành bị cọ xát vào lồng sắt" - vị này nói.
Theo vị lãnh đạo này, hai đơn vị đã thống nhất cắt tỉa các cành sưa khô và những vị trí cành cây tì vào lồng sắt cũng sẽ cắt bỏ phần lồng sắt để đảm bảo cây được sinh trưởng và phát triển bình thường.
"Việc cắt bỏ một phần lồng sắt sẽ được chúng tôi tiến hành trong tuần tới" - vị đại diện Công ty Công viên cây xanh Hà Nội nói.
Trước đó, như Tuổi Trẻ Online đưa tin, sau 4 năm được "mặc giáp sắt", nhiều cành cây sưa trên phố Nguyễn Văn Huyên đã phát triển và chạm vào phần khung sắt, cành cây chà siết vào phần thành lồng sắt. Nhiều phần thân cây đã có dấu hiệu bị thối mục vì lồng sắt siết chặt.
Ngoài ra, nhiều cây sưa tại đây cũng bắt đầu có dấu hiệu thối mục phần thân, cành, một số cành đã chết khô vì không được chăm sóc. Những chiếc lồng sắt cỡ lớn đang giơ lưỡi hái tử thần bức tử hàng cây quý hiếm trên.
Trước đó, vào năm 2020, trong quá trình xây cầu vượt tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao hơn 100 cây bóng mát trên đường Nguyễn Văn Huyên (trong phạm vi dự án) cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư dự án xây cầu vượt trên) để thực hiện dịch chuyển cây vào vị trí hè mới sau khi tuyến đường trên được mở rộng.
Việc di chuyển cây dựa trên sự hướng dẫn của Sở Xây dựng Hà Nội.
Trong 100 cây xanh trên, có 34 cây sưa đỏ là loại gỗ quý, có giá trị về kinh tế. Các cây sưa này sau đó được cắt tỉa, dịch chuyển trồng lại vào vị trí vỉa hè mới của đường Nguyễn Văn Huyên khi đã mở rộng.
Để bảo vệ hàng cây sưa quý hiếm không bị cưa trộm, chủ đầu tư đã lắp đặt 4 camera và bố trí lực lượng bảo vệ giám sát 24/24h. Ngoài ra, hàng cây sưa này cũng được hàn các lồng sắt xung quanh các gốc cây sưa để chống trộm.
Sau khi chuyển hàng cây đến vị trí mới, nhiều cây có dấu hiệu khô héo, không ra lá. Sau đó có 7 cây sưa đỏ đã chết, 25 cây còn lại cây sinh trưởng ổn định.
Đến nay, sau 4 năm sinh trưởng, 25 cây sưa còn lại đã lớn nhưng vẫn đang phải "mặc áo giáp sắt" quá chật, ảnh hưởng đến lớn quá trình sinh trưởng và phát triển của hàng cây.