Cần sớm bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả

Bệnh viện ứng dụng công nghệ cao, thiết bị hiện đại để chẩn đoán, điều trị bệnh cho dân là xu thế không thể đảo ngược. Rất nhiều bệnh viện đã đi đầu trong ứng dụng AI, rotbot, thiết bị siêu hiện đại để chẩn đoán, điều trị cho dân, đồng thời kiến nghị cần bổ sung danh mục kỹ thuật cao ứng dụng trong điều trị được bảo hiểm y tế chi trả.

Kết quả chụp hình ảnh AI đọc, phân tích trước

Phát biểu tại hội thảo về áp dụng công nghệ cao, nâng cao hơn nữa quyền lợi của người dân ngày 8/5, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh viện này đang nỗ lực cố gắng ứng dụng công nghệ cao vừa để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh, vừa để cho nghiên cứu khoa học, đào tạo, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới.

Cần sớm bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả ảnh 1

Tại hội thảo do Báo Tiền Phong kết hợp với Bộ Y tế tổ chức, GS.TS Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã đồng chủ trì. Ảnh: Như Ý.

Theo PGS.TS Giáp, đất nước đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghệ trong y tế không ồn ào nhưng có sức nóng rất lớn. Tại Bệnh viện Bạch Mai, những máy chụp cộng hưởng từ đã kết nối với phần mềm trí tuệ nhân tạo, thì kết quả đều được đẩy qua máy chủ AI đọc trước, phân tích trước, sau đó, các bác sỹ hình ảnh sẽ xem lại.

Cần sớm bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả ảnh 2

PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Như Ý

Thực tế, qua công tác triển khai thực hiện đã thấy tốc độ và hiệu quả xử lý được cải thiện rõ rệt. Gần như không có tổn thương nào bị bỏ lọt, giảm quá tải, để cán bộ y tế có nhiều thời gian hơn dành cho tư vấn, nghiên cứu, sáng tạo, mang lại lợi ích lớn cho người dân, người bệnh.

Thách thức khi triển khai công nghệ cao là vấn đề chi phí

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), được lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá cao là đơn vị đã trang bị nhiều thiết bị y tế hiện đại để tiếp nhận thành công công nghệ ghép tạng từ bệnh viện lớn là Bệnh viện Việt Đức. Theo báo cáo của Ths.BS CKII Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc bệnh viện này, năm 2024 tổng số ca cấp cứu tại Bệnh viện 36.936 lượt, khám bệnh 357.117 lượt. Điều trị nội trú: 68.751 lượt.

Bệnh viện đã thực hiện 14.500 kỹ thuật theo cấp chuyên môn kỹ thuật. Việc triển khai kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, thực hiện nhiều kỹ thuật tuyến trung ương ngay tại bệnh viện, can thiệp ít xâm lấn. Tỷ lệ hài lòng của người bệnh ngoại trú đạt 96,9%.

Theo Ths Hoa, năm 2024 Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí là bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện kỹ thuật lấy đa mô tạng, 1 năm sau triển khai 2 ca ghép thận thành công từ người hiến sống và từ người hiến chết não.

Các bác sỹ ở đây đã chẩn đoán sớm ung thư nhờ các kỹ thuật tầm soát gene đột biến và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh tiên tiến; ứng dụng AI trong đọc hình ảnh CT, MRI; Telemedicine kết nối các bác sĩ tại các trung tâm y tế lớn của cả nước, các chuyên gia tại Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Singapore với các bác sĩ của bệnh viện, giúp người dân tại Quảng Ninh được tiếp cận với các phác đồ điều trị mới, các chuyên gia mà không phải chuyển tuyến...

Cần sớm bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả ảnh 3

Ths.BS CKII Nguyễn Thị Hồng Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí

Ths Hoa cho biết, thách thức lớn khi triển khai công nghệ cao là vấn đề chi phí, đặc biệt là với các đơn vị tự chủ. Triển khai ứng dụng các kỹ thuật cao đòi hỏi: Vốn đầu tư ban đầu lớn cho trang thiết bị, chi phí duy trì và vận hành cao, nhu cầu nhân lực chất lượng cao để vận hành hệ thống và đảm bảo an toàn người bệnh.

Trong khi đó, chính sách bảo hiểm y tế hiện hành còn có độ trễ so với thực tiễn triển khai công nghệ. Cụ thể: (1) Nhiều kỹ thuật hiện đại chưa được đưa vào danh mục thanh toán BHYT; (2) Tỷ lệ đồng chi trả của người bệnh còn cao đối với chi phí các dịch vụ kỹ thuật tiên tiến dẫn đến thực trạng nhiều người bệnh có nhu cầu và chỉ định kỹ thuật cao, nhưng do không đủ điều kiện chi trả nên phải trì hoãn hoặc từ chối điều trị – ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe; (3)Các dịch vụ mới như khám chữa bệnh từ xa (telemedicine), bệnh án điện tử, theo dõi điều trị qua phần mềm, AI hỗ trợ chẩn đoán… chưa có hướng dẫn thanh toán cụ thể; giá dịch vụ hiện nay chủ yếu tính theo đơn giá truyền thống, chưa tính đủ chi phí đầu tư thiết bị, hao mòn công nghệ, vật tư tiêu hao đặc thù...

Để phát huy tối đa lợi ích từ công nghệ cao, đồng thời đảm bảo người dân thực sự được hưởng quyền lợi khám chữa bệnh công bằng và hiệu quả, Ths Nguyễn Thị Hồng Hoa đề xuất 4 giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả, dựa trên bằng chứng khoa học và dữ liệu lâm sàng để từ đó phục vụ người bệnh được tốt hơn, nâng cao hơn nữa quyền lợi của người dân khám, điều trị bằng bảo hiểm.

Bốn giải pháp cụ thể là: Bổ sung danh mục kỹ thuật cao được bảo hiểm y tế chi trả, dựa trên bằng chứng khoa học và dữ liệu lâm sàng; Thành lập chính sách hỗ trợ triển khai kỹ thuật cao trong giai đoạn đầu ứng dụng tại các bệnh viện công lập, nhất là đối với kỹ thuật có tính chiến lược như y học chính xác, xạ trị hiện đại, robot phẫu thuật;

Tăng mức chi trả hoặc giảm tỷ lệ đồng chi trả đối với kỹ thuật tiên tiến, đặc biệt trong các nhóm bệnh nặng, mãn tính, bệnh hiếm và trẻ em;

Theo Luật khám chữa bệnh, người bệnh có quyền lựa chọn trong khám bệnh chữa bệnh, đồng thời có nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật, vì vậy cần có chính sách khuyến khích phát triển các gói bảo hiểm y tế bổ sung, tự nguyện, bảo hiểm thương mại hợp tác công – tư, nhằm mở rộng khả năng chi trả cho kỹ thuật cao mà BHYT cơ bản chưa thể bao phủ toàn bộ; đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao hơn so với các dịch vụ y tế cơ bản.