
Ông Hoàng Minh Sơn - thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, quy chế tuyển sinh năm nay có hai điểm đổi mới nổi bật, gồm bỏ xét tuyển sớm và quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển.
Quy đổi tương đương ngăn chặn kẽ hở tiêu cực
Theo ông Hoàng Minh Sơn, năm nay quy chế tuyển sinh quy định với một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, mức điểm chuẩn phải bảo đảm tương đương về đánh giá năng lực, yêu cầu với người học.
Nếu một ngành, một chương trình học chỉ có một phương thức xét tuyển thì các trường không phải tiến hành quy đổi tương đương.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ thông tin về việc quy đổi tương đương chiều 3-4 - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Quy đổi điểm xét tuyển thế nào để đảm bảo tính khoa học?
Theo ông Sơn, thời gian qua có một số ý kiến cho rằng không thể quy đổi kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực khác nhau về một mức điểm trúng tuyển.
Ông Sơn cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đồng ý với những ý kiến trên nếu như những kỳ thi đánh giá năng lực hoàn toàn khác nhau của thí sinh, không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực của thí sinh khi vào chung một ngành.
Với các phương thức dùng để xét tuyển thí sinh vào cùng một ngành phải đặt ra yêu cầu giống nhau, hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ, đánh giá cơ bản được năng lực cốt lõi của thí sinh. Đây cũng là nguyên tắc cao nhất trong quy chế tuyển sinh.
“Nếu các phương thức xét tuyển khác nhau xét chung vào một ngành mà không đánh giá được năng lực cốt lõi của thí sinh thì chỉ nên sử dụng một phương thức. Đã sử dụng phải quy đổi được, không quy đổi điểm được thì không sử dụng”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, có nhiều phương pháp quy đổi tương đương điểm giữa các phương thức, tổ hợp. Bộ sẽ có hướng dẫn chung cho các trường quy đổi tương đương giữa các phương thức tuyển sinh được sử dụng phổ biến nhất.
Thứ nhất, từ dữ liệu của bộ về kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, kết quả thi đánh giá năng lực của các đại học quốc gia, kỳ thi đánh giá tư duy… có thể thực hiện phương pháp phân vị.
Giả sử trong 10.000 thí sinh có chung kết quả thi đánh giá năng lực, sẽ tìm ra top 1% điểm của kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội là bao nhiêu và top 1% điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT là bao nhiêu. Tiếp đó sẽ lấy các mốc 5%, 10%, 20%… Từ đó đưa mức điểm tương đương giữa hai phương thức.
Cách thứ hai, các cơ sở có thể thực hiện hồi quy tuyến tính. Cụ thể, chia khoảng điểm trúng tuyển từ 20 - 21 điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương với khoảng điểm nào trong kết quả thi đánh giá năng lực.
Từ cơ sở trên, các trường tìm ra công thức quy đổi 20 - 21 điểm thi tốt nghiệp THPT tương ứng với khoảng điểm nào trong kỳ thi đánh giá năng lực. Các khoảng điểm được chia càng nhỏ càng chính xác.
Quy tương đương có gây ảnh hưởng quyền tự chủ trong tuyển sinh?
Theo ông Sơn, các trường đại học được quyền quyết định cách thức quy đổi tương đương. Trong quá trình quy đổi điểm, các trường phải giải trình được các mức quy đổi điểm có cơ sở khoa học.
Bộ không đưa ra một công thức quy đổi cho tất cả các ngành, các trường. Bộ đưa ra khung quy đổi cho những phương thức phổ biến như giữa điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT với các tổ hợp khác nhau, một số kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy của các trường. Từ cơ sở này các trường có thể điều chỉnh theo đặc thù của các trường, các ngành.
Bên cạnh đó, các trường sẽ phải căn cứ thêm vào kết quả học tập của sinh viên đã trúng tuyển theo các phương thức khác nhau, từ đó để chỉnh việc quy đổi điểm tương đương phù hợp.
"Các thí sinh yên tâm, công thức quy đổi điểm của các trường khi công bố bộ sẽ giám sát, công thức đưa ra chỉ có lợi cho thí sinh, không có chuyện lạm dụng công thức tính điểm để tăng giảm chỉ tiêu", ông Sơn nói.
