Bệnh nhân u nang tuyến giáp không phải mổ, không nằm viện nhờ phương pháp mới

TPO - Chọc hút và tiêm cồn nang tuyến giáp là kỹ thuật ít xâm lấn, giúp loại bỏ nang hiệu quả và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Lê Văn Khảng, Trung tâm Điện quang Can thiệp, Bệnh viện Bạch Mai.

PV: Thưa bác sĩ, kỹ thuật chọc hút và tiêm cồn nang tuyến giáp mang lại lợi ích gì? Liệu có nguy cơ nào người bệnh cần lưu ý?

TS.BS. Lê Văn Khảng: Đây là phương pháp tối ưu cho các nang lớn gây triệu chứng như: chèn ép, khó nuốt, đau hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ vì gây lồi cổ. Ưu điểm lớn nhất là xâm lấn tối thiểu, chỉ sử dụng kim chọc khoảng 18G, không để lại sẹo, thực hiện trong 15-30 phút với gây tê tại chỗ, không cần nằm viện. Hiệu quả thấy rõ ngay sau điều trị, tỷ lệ tái phát thấp.

Về nguy cơ, biến chứng hiếm gặp nhưng cần cảnh giác rò cồn ra mô xung quanh làm tổn thương các cấu trúc lân cận như khí quản, thực quản...đặc biệt là thần kinh thanh quản quặt ngược gây khàn tiếng.

Bệnh nhân u nang tuyến giáp không phải mổ, không nằm viện nhờ phương pháp mới ảnh 1

Bác sĩ thực hiện kỹ thuật tiêm cồn tuyến giáp cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

PV: Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thủ thuật?

TS.BS. Lê Văn Khảng:

- Xét nghiệm máu cơ bản: Đảm bảo tiểu cầu > 50G/l, chỉ số đông máu bình thường.

- Thăm khám nội tiết để loại trừ cường giáp hoặc suy giáp.

- Bác sĩ sẽ giải thích kỹ về quy trình và ký cam kết trước khi làm thủ thuật.

PV: Những ai phù hợp và không nên áp dụng kỹ thuật này?

TS.BS. Lê Văn Khảng:

- Chỉ định: Nang lành tính kích thước >2cm, gây căng tức, khó thở, khó nuốt, đau hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ. Nang tái phát sau hút thông thường cũng có thể điều trị bằng phương pháp này.

- Chống chỉ định: Người rối loạn đông máu nặng, nhiễm trùng cấp vùng cổ, bệnh nhân đang có các bệnh trầm trọng hơn đang cần điều trị các bệnh đó trước.

PV: Quy trình tiêm cồn diệt nang được thực hiện thế nào?

TS.BS. Lê Văn Khảng:

- Bước 1: Sát khuẩn vùng da vị trí chọc kim, gây tê tại chỗ.

- Bước 2: Dùng kim nhỏ (18-20G) chọc vào nang dưới hướng dẫn siêu âm, hút sạch dịch.

- Bước 3: Bơm cồn ethanol 96° vào nang (lượng cồn = 1/3 - 1/2 thể tích dịch hút), lưu cồn trong nang trong vòng 5 phút rồi rút hết.

- Bước 4: Băng ép vị trí chọc, theo dõi 2 - 4 giờ trước khi ra về.

PV: Sau tiêm cồn, bệnh nhân có gặp tác dụng phụ nào không?

TS.BS. Lê Văn Khảng:

Tiêm cồn nang giáp tiến hành khá đơn giản do tuyến giáp ở nông, quan sát rất rõ ràng trên siêu âm. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ nên hầu hết các trường hợp bệnh nhân không có cảm giác đau, chỉ đau nhẹ lúc gây tê ban đầu.

Bệnh nhân có thể có cảm giác đỏ mặt, nhịp tim nhanh do tác dụng của cồn, vì một lượng cồn sẽ thẩm thấu qua thành mạch vào máu, nhưng triệu chứng nhẹ và tự hết sau vài giờ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện kỹ thuật này, người bệnh không nên tự lái xe.

Hiếm gặp hơn là sưng đau vùng cổ, đáp ứng tốt với thuốc giảm đau, giảm viêm thông thường.

Bệnh nhân u nang tuyến giáp không phải mổ, không nằm viện nhờ phương pháp mới ảnh 2

Dấu hiệu u tuyến giáp khi nhỏ thường không có triệu chứng gì người bệnh thường không để ý tới và vô tình phát hiện qua khám sức khỏe. Ảnh minh họa: Internet

PV: Thời gian phục hồi và chi phí điều trị ra sao, thưa bác sĩ?

TS.BS. Lê Văn Khảng:

- Phục hồi: Các nang trung bình giảm 90% thể tích sau 1 lần điều trị. Bệnh nhân ra về ngay trong ngày. Chi phí: Khoảng 2,5 triệu đồng cho một lần tiêm cồn, thấp hơn nhiều so với phẫu thuật.

- Bệnh nhân được hẹn kiểm tra lại vào các thời điểm 1-3 tháng, đánh giá đáp ứng điều trị. Thông thường sẽ đạt được hiệu quả diệt nang ngay sau điều trị. Một số ít trường hợp lượng dịch còn lại trong nang nhiều có thể tiến hành tiêm cồn lần hai. Thông thường thì rất hiếm trường hợp cần phải tiêm cồn lần ba.

Dấu hiệu của u tuyến giáp lành tính

Dấu hiệu u tuyến giáp khi nhỏ thường không có triệu chứng gì người bệnh thường không để ý tới và vô tình phát hiện qua khám sức khỏe. Có triệu chứng khi u đã lớn có thể nhìn rõ bằng mắt thường. Trong tình trạng bệnh không biểu hiện cường giáp hay suy giáp thì rất khó phát hiện.

Biểu hiện thường gặp khi u có kích thước lớn gây biến chứng như:

Người bệnh tự cảm nhận được sự tồn tại của khối u trước cổ, thường là sưng ở phần cổ và sờ thấy hoặc soi gương nhìn rõ. Có biểu hiện khó thở hoặc nuốt nghẹn do khối u đè vào khí quản hoặc thực quản thậm chí nói khàn.

Trong một số trường hợp, các khối u lành tính sản sinh ra thyroxine nhiều hơn mức bình thường gây ra các triệu chứng cường giáp như: Có hội chứng cường giáp trên lâm sàng như

Bị giảm cân không rõ nguyên nhân Có tăng tiết mồ hôi Bị run tay Buồn nôn, nôn Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim Mất ngủ, lo âu Rối loạn sinh dục Rối loạn tiêu hóa
Một tuần sau bữa ăn lòng lợn, người đàn ông nguy kịch vì sốc nhiễm khuẩn
Hai phụ nữ trẻ nguy kịch vì thuốc tránh thai: Bác sĩ cảnh báo điều ít ai để ý
Hai phụ nữ trẻ nguy kịch vì thuốc tránh thai: Bác sĩ cảnh báo điều ít ai để ý