Anh Trần Đức Nguyên - Trí tuệ, công tâm và tình cảm

TPO - Thật bàng hoàng, xúc động nghe tin anh Trần Đức Nguyên, trợ lý đắc lực cho hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, vừa mất chiều ngày 15/4/2025.

Mặc dù sống ở nước ngoài nhưng tôi có may mắn được làm việc, gắn bó với anh Trần Đức Nguyên tới 30 năm. Không chỉ trong Tổ Tư vấn Cải cách Kinh tế và Hành chánh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay Ban Nghiên cứu Chính sách của Thủ tướng Phan Văn Khải mà trong rất nhiều việc khác tuy hầu hết cũng liên quan các vấn đề phát triển đất nước.

Anh Trần Đức Nguyên hội đủ các tố chất của một trí thức chân chính: trí tuệ, công tâm, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, với đất nước. Anh còn là người tràn đầy tình cảm với đồng nghiệp, bạn bè. Riêng tôi, nhờ anh quan tâm tạo cơ hội hoặc thường xuyên thông tin nên đã góp được phần nhỏ vào các quyết định chính sách hay góp mặt với trí thức trong nước về nhiều sự kiện khác. Dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổ Tư vấn chuyển thành Ban Nghiên cứu Chính sách và ba thành viên ở nước ngoài của Tổ Tư vấn không chính thức ở trong Ban, nhưng anh Nguyên với tư cách Trưởng Ban đã khuyên chúng tôi tiếp tục tham gia. Đúng vào thời điểm tôi về Hà Nội thường xuyên hơn trước nên có cơ hội tham gia rất nhiều buổi họp của Ban Nghiên cứu. Do vậy trên thực chất tôi tham gia nhiều trong Ban Nghiên cứu so với Tổ Tư vấn thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

 Anh Trần Đức Nguyên - Trí tuệ, công tâm và tình cảm ảnh 1
Tổ Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Hàng đầu, người thứ ba từ phải qua là anh Trần Đức Nguyên, thứ tư từ trái qua là tác giả. (ảnh do Văn phòng Chính phủ chụp sau cuộc họp của Tổ vào tháng 12/1996).

Nhớ lại vài sự kiện khác. Ngày 13/4/2009, anh Nguyên viết điện thư cho tôi nói là sắp giỗ đầu cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, theo âm lịch và năm ấy nhằm ngày 30/5/2009 dương lịch, Vietnamnet sẽ đăng các bài viết về cố thủ tướng trong một tuần lễ, một nửa tuần trước và một nửa tuần sau ngày giỗ, và bảo tôi nhớ lưu ý gửi bài về cho kịp. Cùng năm đó, vào ngày 13/8, anh viết mail bảo tôi đóng góp ý kiến cho một việc mà anh và các anh chị khác đang bàn thảo và tìm đối sách. Anh cho biết quyết định của chính phủ mới ban hành danh mục những lĩnh vực cho phép cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và nói thêm “Những người soạn thảo quyết định này báo cáo với lãnh đạo rằng trên thế giới có hai cách làm: một là ban hành danh mục được phép; hai là quy định những lĩnh vực cấm và được tự do làm ngoài phạm vi cấm. Chúng tôi thì cho rằng đối với nghiên cứu khoa học không thể quy định những lĩnh vực được phép vì không thể nào liệt kê đầy đủ và luôn luôn xuất hiện những lĩnh vực nghiên cứu mới. Quy định danh mục các lĩnh vực được phép như đã quyết định trên thực tế là hạn chế nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc dùng lý lẽ, phải có căn cứ chứng minh rằng hầu hết các nước trên thế giới không áp dụng cách thứ nhất. Anh em ở nhà chưa tìm thấy nước nào, nhưng muốn có thông tin khách quan và tin cậy về điều này thì cần đến tiếng nói của những người đã có uy tín đối với giới trí thức và cả các nhà lãnh đạo trong nước”. Tôi thấy anh Nguyên và các trí thức trong nước có quan điểm rất đúng về vấn đề này. Theo đề nghị của anh tôi đã viết về kinh nghiệm tại Nhật và kết luận là không thể quy định lĩnh vực được phép nghiên cứu khoa học mà phải để tự do ngoài phạm vi cấm.

Trong Tổ Tư vấn hay trong Ban Nghiên cứu, anh Nguyên điều hành rất linh hoạt, tạo không khí cởi mở, tự do phát biểu ý kiến. Anh đưa ra các vấn đề anh cho là quan trọng cho cải cách và phát triển của kinh tế hoặc các quan tâm hiện nay của thủ tướng để Tổ hoặc Ban trao đổi. Sau đó anh cũng không quên yêu cầu các thành viên thấy vấn đề gì quan trọng khác thì nêu lên để cùng thảo luận. Anh nhiều lần nói với tôi, là cầu nối trực tiếp giữa các thành viên Tổ/Ban với thủ tướng, anh quan tâm truyền đạt, báo cáo đầy đủ những ý kiến quan trọng và không quên nói rõ ý kiến đó của thành viên nào trong Tổ/Ban. Riêng tôi, rất nhiều lần khi phát biểu một điểm gì đó mà anh tâm đắc, anh bảo tôi viết thành văn bản để anh đưa cho thủ tướng tham khảo.Tôi còn giữ nhiều thư viết gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải, toàn là những thư do anh Nguyên đề nghị.

Về sự công tâm của anh Nguyên, tôi còn chứng kiến nhiều chuyện khác nữa. Có một chuyện hơi tế nhị nhưng tôi cũng xin ghi lại đây. Khoảng năm 2000, nhân dịp gặp anh sau Tết, trong nhiều câu chuyện trao đổi, anh kể chuyện thủ tướng Phan Văn Khải tặng anh một hộp thuốc lá to (trong có nhiều bao thuốc). Nói chính xác đó là quà Tết thủ tướng nhận từ một thứ trưởng nọ và đã tặng lại cho anh Nguyên. Về nhà, anh Nguyên mở ra định dùng thì thấy có mấy ngàn đô-la lẫn trong hộp thuốc. Anh Nguyên đến gặp anh Khải kể lại chuyện và nói thêm là trong việc đề bạt, tiến cử vào nội các trong nhiệm kỳ tới, thủ tướng nên cân nhắc chỉ nên chọn người thật xứng đáng và loại trừ những trường hợp như thế này.

 Anh Trần Đức Nguyên - Trí tuệ, công tâm và tình cảm ảnh 2
Anh Trần Đức Nguyên thăm nhà Trần Văn Thọ ở Tokyo (tháng 4/2002)

Anh Nguyên hiểu biết sâu rộng về nhiều lãnh vực, một phần do đọc nhiều từ hồi còn trẻ và có lẽ một phần do tính anh luôn muốn khám phá cái mới trong thực tiễn cuộc sống khi có điều kiện. Tháng 4/2002, anh tham gia đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải sang công du Nhật Bản. Một buổi tối tôi mời anh đi dạo phố và dùng cơm Nhật. Hai anh em vừa đi phố Tokyo vừa trò chuyện. Anh tỏ ra hiểu biết nhiều về xã hội, kinh tế, văn hóa Nhật Bản. Đặc biệt ấn tượng là khi quyết định nơi ăn tối, anh bảo tôi chọn một nhà hàng bình thường để anh biết cuộc sống của người dân bình thường như thế nào.

Tôi xin viết thêm hai kỷ niệm với anh Trần Đức Nguyên.

Anh Nguyên làm trợ lý cho nhiều lãnh đạo chủ chốt và tham gia vào việc bàn bạc và viết các văn kiện quan trọng liên quan đến cải cách và phát triển. Đặc biệt anh là một trong những chứng nhân và có đóng góp vào việc khai sinh ra đổi mới, một chuyển biến lịch sử của đất nước. Năm 2010 tôi xuất bản tại Nhật một cuốn sách về kinh tế Việt Nam. Trong quá trình biên soạn, tôi đã viết thư hỏi anh Nguyên nhiều lần về sự thật của quá trình khai sinh đổi mới. Tôi thật may mắn được nghe từ một tư liệu sống quý giá. Anh lại rất nhiệt tình, nhiều lần trả lời rất chi tiết, đầy đủ những câu hỏi của tôi, dù rất bận. Tôi nhiều lần cảm động về thái độ rất tình cảm của anh. Chẳng hạn đây là điện thư anh viết ngày 11/5/2009: “ Tôi đã nhận được thư và các câu hỏi của anh Thọ; nghe nói sắp tới, anh có dịp về Hà Nội. Sẽ xin trả lời anh khi gặp. Nếu còn lâu anh mới về thì tôi sẽ cố trả lời qua thư điện tử. Nói "cố trả lời" vì tôi đang bắt đầu một việc riêng khá mất thì giờ : phá nhà cũ, xây nhà mới và từ cuối tháng này sẽ đến ở nhà con gái phố Yersin trong thời gian xây lại nhà...”

Nhờ những điện thư của anh, tôi biết rõ được quá trình hình thành đổi mới rất sinh động. Anh Nguyên có tổng kết như sau: “Chúng tôi (nhóm nghiên cứu hồi ấy cũng như anh chị em trong Tổ chuyên gia tư vấn và Ban nghiên cứu của Thủ tướng sau này) đều cho rằng công cuộc đổi mới ở Việt Nam không phải từ trên đưa xuống mà là sự đóng góp từ hai phía: quần chúng, cơ sở và địa phương vì cuộc sống thiết thân mà tìm cách vượt ra khỏi cái khung kìm hãm của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa; lãnh đạo bên trên tiếp nhận kinh nghiệm, sáng kiến của bên dưới, nâng lên thành quan điểm, chính sách chung “. Qua sách báo tôi cũng đã hiểu như vậy nhưng nhờ anh Nguyên thuật lại những diễn biến mà anh là chứng nhân và trực tiếp đóng góp, tôi càng được thuyết phục hơn. Đặc biệt khi nói về nhóm trợ lý của Tổng Bí thư Trường Chinh, người quyết định đổi mới, anh Nguyên hầu như không nói về mình mà nhấn mạnh vai trò của các anh Đào Xuân Sâm, Hà Nghiệp, Trần Nhâm, v.v... Nhóm trợ lý này có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục về mặt lý luận và tạo điều kiện cho Tổng Bí thư Trường Chinh đi thực tế để đưa ra quyết định có tính lịch sử. Nhận xét của anh Nguyên rất đáng tham khảo: “Đáng chú ý là các thành viên nhóm nghiên cứu đều ở các Viện, trường, ban của Đảng, không có ai ở bộ máy hành chính điều hành, là những người chuyên nghiên cứu và có tiếng nói tương đối độc lập, không bị ràng buộc bởi chức quyền”.

 Anh Trần Đức Nguyên - Trí tuệ, công tâm và tình cảm ảnh 3
Tại nhà anh chị Nguyễn Gia Hảo/Phạm Chi Lan (16/5/2022). Từ trái qua: Trần Đức Nguyên, Trần Văn Thọ, Nguyễn Thái Nguyên, Phạm Chi Lan, Chu Hảo, Nguyễn Trung, Vũ Quốc Tuấn, Lê Đăng Doanh.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin kể thêm một kỷ niệm với anh Nguyên. Để đóng góp vào việc cải cách thể chế và phát triển đất nước, tôi tích cực viết báo, viết sách in ở Việt Nam. Tôi phát hiện các vấn đề cần thay đổi ở Việt Nam, và viết dựa trên lý luận chuyên môn và kinh nghiệm các nước. Nhưng để nắm chắc thực tiễn Việt Nam, đối với những vấn đề xét ra quan trọng, tôi thường gửi bản thảo nhờ anh Nguyên đọc trước. Lần nào anh cũng đọc kỹ và nêu nhiều ý kiến xác đáng, giúp bài viết có sức thuyết phục hơn. Có một lần anh chuyển bài của tôi cho anh Việt Phương góp ý nữa nên những bài sau đó tôi gửi cho cả hai anh nhờ đọc trước. Nhiều lúc anh Việt Phương góp ý qua điện thoại với anh Nguyên và đề nghị anh Nguyên “tổng kết” và trả lời cho tôi. Tôi học hỏi từ hai anh rất nhiều, nhất là về điểm nên viết như thế nào để đăng được trên báo chính thống mà vẫn giữ được quan điểm của mình. Có nhiều lúc trao đổi giữa hai anh và tôi rất sôi nổi. Chẳng hạn khi tôi xuất bản cuốn Việt Nam từ năm 2011: Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian (Nhà xuất bản Tri thức, 2011). Anh Việt Phương không tán thành cụm từ “sự nghiệt ngã của thời gian”, anh Nguyên gần như đồng tình với anh Việt Phương và khuyên tôi nên sửa lại là “Chạy đua với thời gian”. Riêng về chuyện này thì tôi xin phép hai anh cho tôi giữ ý định ban đầu và hai anh cũng vui vẻ đồng ý.

Những năm gần đây anh Nguyên không khỏe nên tôi không dám gửi bản thảo bài viết cho anh đọc nữa, nhưng vẫn được gặp anh trong những buổi hàn huyên thân mật do chị Phạm Chi Lan tổ chức hoặc cùng với một vài bạn đến thăm anh ở nhà riêng.

Tôi rất vui là cuốn hồi ký của anh Trần Đức Nguyên sắp xuất bản. Tôi hân hạnh được anh cho đọc bản thảo từ nhiều năm trước. Qua cuốn hồi ký, độc giả sẽ biết thêm về cuộc đời hoạt động phong phú, gắn liền với vận mệnh của đất nước qua từng thời kỳ trong đó có đóng góp của anh. Trí tuệ, công tâm và tình cảm của anh cũng phản ảnh trong cuốn hồi ký này.

Rất tiếc là tuy bản thảo cuốn hồi ký cũng như các bài viết bình luận của bạn bè đã xong và sắp in thì anh ra đi vĩnh viễn, không kịp để anh nhìn đứa con tinh thần và tình cảm của những người yêu mến, kính trọng anh.

Vô cùng thương nhớ anh Trần Đức Nguyên.

Tokyo, 21/4/2025